Bản cương lĩnh thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một kho tàng lý luận hết sức quý giá đó là 'Tư tưởng Hồ Chí Minh' trong đó tư tưởng về quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chiếm một vị trí quan trọng.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Huy Thắng

(baophutho.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một kho tàng lý luận hết sức quý giá đó là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” trong đó tư tưởng về quân sự, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chiếm một vị trí quan trọng.

Sau hành trình dài đi tìm đường cứu nước khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, các luận điểm về vũ trang nhân dân, tổ chức quân đội kiểu mới trên cơ sở vũ trang toàn dân của Lê- nin, nghiên cứu bản chất của kẻ thù và thực tiễn cách mạng Việt Nam, kế thừa phát triển kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang trong lịch sử dân tộc để từng bước xác định nguyên tắc, cơ cấu lực lượng vũ trang nhân dân về mặt lý luận. Năm 1941, khi về nước tổ chức Hội nghị Trung ương 8, lần đầu tiên khái niệm cơ cấu lực lượng vũ trang ba thứ quân được Bác Hồ nêu ra và đến ngày 21 tháng 12 năm 1941 Trung ương Đảng ra Chỉ thị nêu rõ cách thức tổ chức và cơ cấu lực lượng vũ trang bao gồm Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích và Đội tự vệ cứu quốc. Tuy nhiên, chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chưa thật rõ ràng, đến tháng 12 năm 1944 trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới được bổ sung làm rõ những vấn đề cơ bản nhất có tính nguyên tắc về hoạt động quân sự và theo đó là xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân của Đảng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 gồm 34 chiến sĩ. Ảnh tư liệuChỉ thị nêu rõ: “…Trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được làm cho các đội này trưởng thành mãi lên…”. Có thể nói, đến đây những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự và tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng được hoàn chỉnh về mặt lý luận.Ngày 22/12/1944 được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Với việc thành lập này, hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng ba thứ quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và chỉ đạo tổ chức đã bước đầu hình thành, đến đây mô hình về tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân - tổ chức quân sự cách mạng kiểu mới do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, là lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu, từng bước được xây dựng hoàn chỉnh và không ngừng lớn mạnh.Ngày 15/5/1945 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và các đơn vị cứu quốc quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực mang tên “Việt Nam giải phóng quân”. Tại một số tỉnh, huyện, các đơn vị “giải phóng quân” địa phương được thành lập. Trong giai đoạn này xây dựng và phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích được Trung ương Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt để đảm bảo cho cách mạng giành thắng lợi.

Lực lượng dân quân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn luyện tập bắn súng AK. Ảnh: Quỳnh Chi
Thực tế, tháng Tám năm 1945 lực lượng vũ trang cách mạng đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và trở thành lực lượng vũ trang nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân hoàn chỉnh theo tiến trình phát triển chung của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Sự phát triển của lực lượng vũ trang ba thứ quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân, còn dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng đã cùng toàn dân làm nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX xứng đáng là lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021) là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân và khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Trung tướng Nguyễn Kim Khoa - Nguyên ủy viên UBTV Quốc hội- Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/202112/ban-cuong-linh-the-hien-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-viet-nam-181674