Bạn đã biết về 7 loại thư tín ngoại giao thường dùng? (Phần 2)

Tiếp tục chuyên mục Thường thức Ngoại giao kỳ trước, TG&VN giới thiệu 3 loại thư tín ngoại giao thường dùng trong giao dịch giữa các Cơ quan đại diện với Bộ Ngoại giao hay một cơ quan chính quyền nước sở tại.

Bạn đã biết về 7 loại thư tín ngoại giao thường dùng?

Bạn đã biết về 7 loại thư tín ngoại giao thường dùng?

4. Công hàm tương tự

Đây là một loại công hàm tập thể nhưng từng đại diện làm và gửi riêng biệt.

Nội dung công hàm giống nhau nhưng lời văn có thể khác nhau và không nhất thiết phải gửi cùng một lúc.

5. Bị vong lục

Đây là loại thư tín ngoại giao giải thích chi tiết, cụ thể một vấn đề đã được đặt ra hoặc ghi lại những ý kiến chính, những sự việc cụ thể về một vấn đề đã được bàn bạc, trao đổi nhằm tránh hiểu lầm hay nhắc nhở xúc tiến giải quyết. Bị vong lục thường được trao tay trong một cuộc gặp.

Về hình thức, bị vong lục có thể được đánh máy trên giấy khổ lớn, thông thường là khổ A4, có tiêu đề hoặc không có tiêu đề cơ quan. Lời văn viết ở ngôi thứ ba; nội dung ngắn gọn, rõ ý; ngày, tháng, năm đề ở cuối văn bản.

Bị vong lục không có phần xưng hô hay công thức lịch thiệp, không ký tên hay đóng dấu cơ quan.

6. Giác thư

Đây là một loại thư tín trình bày chi tiết các sự kiện cụ thể, lý lẽ, lập trường, quan điểm về một vấn đề nào đó. Giác thư thường được gửi kèm theo một công hàm thường.

Về hình thức, giác thư được đánh máy trên khổ giấy lớn, thường là khổ A4. Về cơ bản, giác thư không khác mấy so với công hàm thường. Trong giác thư không dùng công thức lịch thiệp, không ký tên và không đóng dấu.

7. Thư riêng

Là một loại thư tín ngoại giao trao đổi giữa những thành viên Cơ quan đại diện và quan chức của quốc gia hay tổ chức tiếp nhận đồng cấp hoặc cấp bậc, chức vụ không quá chênh lệch.

Nội dung thư riêng là việc công trong phạm vi chức năng của người viết và người nhận nhưng được trao đổi một cách không chính thức. Thư riêng thường dùng mối quan hệ cá nhân để thúc đẩy công việc được nhanh chóng và thuận lợi.

Về hình thức, thư riêng viết trên giấy khổ lớn, có thể có tiêu đề hoặc không có tiêu đề của người viết. Lời văn trong thư riêng dùng ở ngôi thứ nhất, hành văn như một thư bình thường, không dùng những công thức lịch thiệp theo khuôn mẫu như đối với công hàm cá nhân.

Theo thông lệ lễ tân ngoại giao, khi trả lời những vấn đề được nêu ra trong thư tín ngoại giao, người ta dùng loại thư tín tương tự như thư tín đã nhận được.

N.L.T

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-da-biet-ve-7-loai-thu-tin-ngoai-giao-thuong-dung-phan-2-131683.html