Bạn đã đến Nha Trang bằng đường nào?

“Thật hiếm có ở đâu mà người ta có thể “chạm” vào biển gần và dễ dàng như ở Nha Trang. Một thành phố biển với hình dáng cong lưỡi liềm có sức quyến rũ kỳ lạ, vừa hiền hòa, bình dị, vừa rực rỡ kiêu sa” - tôi nhớ mãi câu nói của nhóm bạn năm 1978, khi tôi đưa các bạn học cùng lớp ở Sài Gòn về Nha Trang chơi. Năm đó, muốn đi Nha Trang không dễ dàng và thuận tiện như bây giờ. Nhưng sức trẻ nề hà gì chuyện xếp hàng ở bến xe cuối đường Ngô Gia Tự để mua vé khi nhóm bạn từ Nha Trang vào lại Sài Gòn. Có khi gần đến lượt mình thì bên trong lại vang lên qua loa phóng thanh: “Hết vé”. Vậy là chúng tôi quay về nhà và chờ sáng sớm hôm sau tiếp tục xếp hàng. Cái bến xe chật chội ồn ã giới hạn từ đường Nguyễn Hữu Huân đến đường Trương Định một thời khó quên của những người buôn chuyến, sinh viên đi học xa, người vào Nam, ra Bắc… Thành phố nhỏ, cái bến xe Nam - Bắc ngày ấy cũng nhỏ với những chiếc xe đò cũ kỹ đầy bụi bặm!

Ga Nha Trang. Ảnh: AN NGUYỄN

Ga Nha Trang. Ảnh: AN NGUYỄN

Lại nhớ năm 1986, lần đầu tiên tôi đi Hà Nội bằng xe lửa. 2 đêm trên tàu mới đến được ga Hàng Cỏ, lạnh run với cái rét tháng Giêng. Trên tàu trở về Nha Trang, tôi quen T., cùng tuổi. T. sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đi bộ đội đóng quân ở Cam Ranh. Nhớ câu T. nói: “Lần đầu tiên vào Nha Trang bằng xe lửa từ phía bắc mình ngạc nhiên lắm khi vô hay ra gì cũng chỉ có một đường”. Tôi nói với T. về ga Nha Trang bằng sự trìu mến thương yêu: “Ga Nha Trang là một ga đặc biệt mà không ga nào có, đó là người thân được vẫy tay chào nhau hai lần, còn gọi là ga bóng đèn”. Thời tuổi trẻ, những câu chuyện trên tàu của hai người trẻ lan man, đường dài thành ngắn.

Lại nhớ, hồi sân bay Nha Trang còn trong thành phố, cảnh khó quên của nhiều người Nha Trang xưa một thời là thấy chiếc máy bay từ ngoài biển ào vào đáp nhanh xuống đường băng. Tôi chắc có người vẫn còn nhớ cảm giác khi máy bay sà xuống thấp trên đầu lúc nó ngang qua. Tôi gặp lại cảm giác này ở bãi Đầm Trầu, Côn Đảo khi sân bay Cỏ Ống ở gần sát. Hầu như ai đến đây đều cố chụp cho được tấm hình máy bay sà xuống rất nhanh trên đầu và cười rộn rã. Hay lần ở Kedonganan - một làng chài nằm cạnh sân bay quốc tế Ngurah Rai - Bali, nhìn máy bay lên xuống sát biển làm tôi nhớ sân bay Nha Trang xưa quá chừng.

Trong cuốn: “Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước”, năm 1904, bà Gabrielle-Maude Candler Vassal, người Anh đã ngỡ ngàng khi đi tàu biển đến Nha Trang vào lúc 5 giờ sáng: “Cảnh thật tuyệt vời! Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác mê tơi buổi sáng hôm đó. Đây là miền đất đẹp đẽ chúng tôi sẽ sống trong tương lai!... Vầng thái dương vừa mới ló dạng. Những mảng bóng tối trải dài trên các sườn núi trong khi những phần nhận được ánh sáng nổi bật lên thật rõ nét với những sắc màu thật kỳ lạ… Tôi thấy tôi như đang đứng trên con đường rừng miền nhiệt đới, hai bên đường là những đóa hoa tuyệt mỹ và những bãi cỏ xanh thật xanh như ở Âu Châu. Tàu đi dần vào vịnh, nước có sắc xanh như nước Địa Trung Hải…”.

Đèo Cù Hin - Đường nối sân bay Cam Ranh - Nha Trang.

Đèo Cù Hin - Đường nối sân bay Cam Ranh - Nha Trang.

Thế kỷ XX trôi qua, Nha Trang xưa lùi dần, chỉ còn trong ký ức những người của Nha Trang xưa. Đến Nha Trang hôm nay thật thuận tiện khi có nhiều phương tiện: Xe, máy bay, tàu lửa để chọn lựa. 2 bến xe Nam - Bắc nằm tách biệt 2 đầu thành phố. Cảnh chen lấn xếp hàng ngày nào gần như không còn khi giờ đây có các app trên điện thoại để mua vé, chỉ vài thao tác bấm điện thoại; thậm chí đi nước ngoài hay từ nước ngoài về lại Nha Trang cũng chỉ mua qua app điện thoại khi sân bay Cam Ranh giờ đây đã có nhiều chuyến bay quốc tế.

Đường vào TP. Nha Trang từ sân bay Cam Ranh quá tuyệt vời khi qua cung đường đèo Cù Hin đẹp ngoạn mục, thấy biển xanh là nôn nao về nhà hay nôn nóng đến nơi mình sẽ nghỉ lại vài ngày, thậm chí cả tháng như vài người bạn của tôi quê Nha Trang hiện ở Sài Gòn và cả ở nước ngoài mua nhà ở Nha Trang làm nơi nghỉ dưỡng. Về Nha Trang tắm biển, ăn những món ăn quen thuộc ngày xưa má nấu thật không gì bằng sau những năm tháng xa quê, làm ăn vất vả nơi xứ người. Tôi cũng không ngoài tâm trạng ấy mỗi khi ngồi trên xe buýt từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang, không chỉ hồi hộp gặp lại biển xanh, những kỷ niệm trải dài mà đó là cảm xúc được về nhà.

Đường bộ vào TP. Nha Trang lối nào cũng đẹp khi đi trên đường Võ Nguyên Giáp hay theo đường 23 tháng 10 để qua nút cầu vượt Ngọc Hội ngắm nhìn một phía khác của Nha Trang mà ngày xưa không có, không ai nghĩ tới. Tôi thích ngắm TP. Nha Trang tứ bề là núi khi đi trên cầu vượt này vào những sáng tinh mơ hay chiều muộn đều có những màu sắc rất đẹp của bình minh hay hoàng hôn để không kìm được phải thốt lên: “Sao Nha Trang đẹp vậy!”.

Và mới đây nhất, tôi về Nha Trang trên chuyến xe lửa khởi hành ở ga Sài Gòn. Bước xuống sân ga, tôi không tránh khỏi những cảm xúc “tàu đến, tàu đi”. Tôi nhớ tuổi thanh xuân chuyện trò không dứt với T. trên xe lửa từ Hà Nội vào Nha Trang. Cảm giác vui buồn đón con về, tiễn con đi khi con đi học xa, đưa mẹ đi chơi Sài Gòn, đón mẹ về, hay đón anh em, bạn bè đến Nha Trang và tiễn họ đi… Tôi kéo vali thật chậm, tận hưởng phút giây thật nhàn nhã trên sân ga trong tâm trạng người trở về… Ga còn thức, phố chưa ngủ, những hàng quán vẫn còn người ăn đêm, đi dạo… Quen thuộc quá, như chưa hề có những tháng năm mình rời xa Nha Trang.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202410/ban-da-den-nha-trang-bang-duong-nao-443452b/