Ban đại diện cha mẹ học sinh thu, chi rõ ràng: Phụ huynh đỡ khổ, bớt bức xúc

Nếu nơi nào quỹ hội được thu đúng và chi đúng vẫn sẽ luôn nhận được sự đồng thuận và chung tay của nhiều bậc phụ huynh.

Vào đầu mỗi năm học, câu chuyện bị nhiều phụ huynh bàn tán và phản ứng nhiều nhất phải kể đến khoản tiền hội phí mà theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, đó chính là kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sẽ có người băn khoăn, thắc mắc, nếu theo tinh thần của Thông tư 55 thì khoản kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh được chính phụ huynh ủng hộ để phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của con em mình. Vậy tại sao, vẫn có những phụ huynh bức xúc, phản đối khi ủng hộ loại quỹ này?

Từ bài học trong thực tế, người viết cho rằng, phụ huynh phản đối, không đồng tình với khoản này đều là do sự chi tiêu nhiều khoản không minh bạch, không đúng mục đích quy định.

Nếu tất cả nguồn quỹ ủng hộ của phụ huynh được chi tiêu vì quyền lợi của các em học sinh như Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT đã ban hành, chắc chắn sẽ không bao giờ có nhiều phụ huynh bức xúc như hiện nay.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quỹ góp nhiều nhưng phục vụ học sinh chẳng bao nhiêu

Một số phụ huynh cũ của người viết hiện có con học tại một trường trung học ở phía Nam kể rằng, tiền thu quỹ lớp chỉ học kỳ 1 đã lên tới gần 93 triệu đồng (mỗi học sinh phải đóng gần 2 triệu đồng).

Số tiền này đã chi các khoản như phong trào của trường 20 triệu; quỹ khuyến học 15 triệu; xã hội hóa 18 triệu; các khoản khác (không ghi rõ khoản gì) là 28 triệu; chi chúc mừng 20/11 là 9 triệu; tặng quà giáo viên cuối năm là 9 triệu.

Tổng chi các khoản không phục vụ cho học sinh là 64 triệu. Chỉ còn 29 triệu dành cho các em để chi vào các khoản như phô tô tài liệu, liên hoan cuối năm, đóng hộc tủ cho học sinh…Tiền đóng mỗi em quá nhiều nhưng quyền lợi nhận được lại quá ít thì bảo sao nhiều phụ huynh không bức xúc cho được.

Một đồng nghiệp của người viết cũng chia sẻ: “Có năm, số tiền hội phí dành để chi quà 20/11 cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của lớp cũng chiếm tới 2/3 tổng số tiền của ban phụ huynh thu được. Vì thế, để có những khoản chi cho học sinh, lớp buộc phải xin phụ huynh đóng góp thêm”.

Đồng nghiệp này bật mí thêm, chi quà cho giáo viên bằng tiền quỹ hội không chỉ xảy ra ở một trường mà gần như trở thành phong trào ở nhiều trường học hiện nay. Ngoài quà tri ân 20/11, còn có quà mang tên sinh nhật, mừng năm mới…

Đáng nói, việc tặng quà cũng như nhận quà đã trở thành thông lệ và nhiều thầy cô cũng thấy đó là chuyện bình thường.

Thế nên, nếu có thầy cô nào không muốn nhận khoản tiền này cũng không được vì “tiền đã chi, hay quà đã mua giờ không biết phải làm sao”.

Tiền chi những khoản này càng lớn thì phụ huynh phải đóng tiền quỹ hội càng cao. Vì thế, nó đã tạo nên áp lực về gánh nặng về kinh tế khiến không ít phụ huynh bất bình và bức xúc. Những lời bàn tán không đẹp, không hay được lan truyền hoặc xuất hiện trên các hội nhóm làm không ít giáo viên không hề nhận quà từ phụ huynh cũng buồn lòng.

Thu đúng, chi đúng mục đích, tiền quỹ hội sẽ không cần ủng hộ nhiều

Từ trải nghiệm trong ngành giáo dục hơn 30 năm, người viết thấy rằng, nếu nơi nào quỹ hội phụ huynh được thu đúng và chi đúng vẫn sẽ luôn nhận được sự đồng thuận và chung tay của nhiều phụ huynh. Điển hình như nhiều trường học tại địa phương người viết công tác.

Thu đúng là thế nào? Là để phụ huynh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện mà giáo viên không nên chia bình quân để cào bằng buộc phụ huynh nào cũng phải đóng như nhau.

Còn chi đúng? Là không được chi những khoản bị cấm trong Thông tư 55 như “Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.”[1]

Ở những trường học có mức thu quỹ hội nhiều như câu chuyện phụ huynh kể trước đó hoàn toàn đã chi sai (chủ yếu chi quà cho thầy cô, đóng quỹ xã hội hóa, quỹ khuyến học, ủng hộ phong trào và một số khoản chi khác cho nhà trường) nên phụ huynh mới phải đóng quá nhiều tiền gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực ra, tiền quỹ hội phụ huynh ở mỗi lớp nếu chi đúng mục đích sẽ không cần phải có số tiền lớn như nhiều trường học, lớp học đã làm. Mỗi lớp ở tiểu học, tiền quỹ dưới 10 triệu đồng thì lớp học 35 em mỗi em chỉ ủng hộ khoảng 200 ngàn đồng (bậc trung học có thể nhiều hơn chút) đã chi tiêu khá ổn trong suốt một năm học.

Tiền quỹ hội chỉ được dùng chi trực tiếp cho những hoạt động của học sinh. Hoàn toàn không có chuyện dùng tiền quỹ hội để mua quà tặng dịp 20/11, sinh nhật thầy cô. Bởi thế, số tiền quỹ hội mỗi lớp được huy động có khi chỉ được 3 triệu đồng cả năm nhưng chi hoạt động cho các em trong năm vẫn đủ.

Để không xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường cũng như phụ huynh không bị áp lực tài chính đè nặng, các cấp chính quyền địa phương cũng cần có những cuộc thanh kiểm tra trường học trong việc triển khai các khoản thu trong nhà trường. Đặc biệt là khoản thu dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh. Xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm, chuyện lạm thu sẽ biến mất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-thu-chi-ro-rang-phu-huynh-do-kho-bot-buc-xuc-post245774.gd