Bàn giải pháp để phát triển tự chủ đại học

PGS.TS Trần Đình Thiện, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi, góp ý tại chương trình tọa đàm. Ảnh: THÚY HẰNG

Ngày 16/1, tại Khu du lịch Sao Việt (TP Tuy Hòa), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức Tọa đàm khoa học Giải pháp để phát triển tự chủ đại học. Chủ trì chương trình tọa đàm có TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các trường, các bộ, ban ngành bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hiện nay, ngoài 23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, có thêm nhiều trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật số 34. Việc tự chủ đại học bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc ban hành văn bản triển khai, thực hiện ở các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập; việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng.

Tại chương trình tọa đàm, các đại biểu cùng nhau trao đổi và thảo luận về những khoảng trống, sự chồng chéo trong các văn bản pháp lý, làm rõ mối quan hệ của hội đồng trường và hiệu trưởng trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, các vấn đề trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp và kiến nghị của các đại biểu. Đây sẽ là cơ sở để hiệp hội có các báo cáo kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT và Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Theo các đại biểu, để thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, thật sự tạo nên đột phá thì cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng. Hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số bộ, ngành liên quan dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tự chủ đại học. Do đó, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật số 34 nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, dần đồng bộ hóa hệ thống văn bản để thống nhất thực hiện.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/269912/ban-giai-phap-de-phat-trien-tu-chu-dai-hoc.html