Bán hàng trên Amazon có khó không?

Để hàng hóa tiêu thụ được trên Amazon không dễ, đòi hỏi người bán, doanh nghiệp sản xuất cũng phải quan tâm đầu tư từ chất lượng, mẫu mã đến giá cả sản phẩm.

Đọc bài "Từ làng ra chợ toàn cầu, chổi đót, nón lá... hot trên Amazon" trên báo điện tử Hải Dương ngày 8.12, tôi nhận thấy nhiều sản phẩm của Hải Dương cũng có thể bán được trên sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới này.

Những sản phẩm bán chạy trên Amazon không chỉ là những mặt hàng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ cao. Đó có thể là đặc sản địa phương hoặc sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề.

Chính vì thế, chổi đót, nón lá, giỏ mây... đã trở thành những mặt hàng bán chạy và có giá khá cao trên Amazon. Nhiều sản phẩm có giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường trong nước.

Điều này cũng dễ hiểu bởi sản phẩm bán ở đây sẽ đến với người tiêu dùng toàn cầu. Giá trị đồng tiền tại nhiều quốc gia khác cao hơn Việt Nam đồng nên dù giá bán của mỗi sản phẩm trên Amazon có cao hơn ở nước ta thì họ vẫn chấp nhận mua. Hơn nữa ở nhiều nước, người dùng khá thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Việt Nam sản xuất.

Hải Dương có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng. Sản phẩm do các nghệ nhân làm ra kỳ công, có nét sáng tạo riêng.

Không những vậy, một số sản phẩm hàng hóa của Hải Dương còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, thậm chí đã có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.

Chẳng hạn như tranh thêu của Xuân Nẻo đã được rất nhiều khách nước ngoài biết đến thông qua kênh giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Nhiều bức tranh thêu có giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã được bán sang Hàn Quốc, châu Âu.

Bánh đậu xanh Hải Dương đã từng được bán trên trang thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Post Mart). Chổi chít ở xã Tân Việt (Bình Giang) cũng có mặt tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Điều đó cho thấy sản phẩm Hải Dương hoàn toàn có cơ hội được giới thiệu và tiêu thụ trên Amazon. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những đặc sản, sản phẩm thế mạnh cũng có thể được bán trên Amazon… Có thể coi đây là một kênh tiêu thụ các sản phẩm này.

Amazon là "gã khổng lồ" trong thương mại điện tử. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp, người dân trong tỉnh có thể khai thác, giới thiệu, tiêu thụ và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Qua kênh bán hàng này, doanh nghiệp Hải Dương cũng được tham gia vào sân chơi lớn hơn, có sức cạnh tranh mạnh hơn so với thị trường trong nước. Từ đó tạo cơ hội để doanh nghiệp, người bán hàng đúc rút kinh nghiệm, thay đổi phương thức sản xuất, cách thức bán hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lớn hơn.

Cơ hội lớn, lợi nhuận bán hàng có thể cao nhưng để hàng hóa tiêu thụ được trên Amazon không dễ, đòi hỏi người bán, doanh nghiệp sản xuất cũng phải quan tâm đầu tư từ chất lượng, mẫu mã đến giá cả sản phẩm.

Amazon là thị trường mở, giá cả không cạnh tranh, sản phẩm không chất lượng, không có sự khác biệt sẽ khó thu hút được người mua. Không giống kiểu bán hàng trên các trang mạng xã hội xuất hiện khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay, Amazon có những nguyên tắc rõ ràng để bảo đảm quyền lợi của cả nhà cung cấp lẫn người mua. Cách làm chụp giật kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khó có thể tồn tại và phát triển trên trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng này.

Amazon cùng với các trang bán hàng qua mạng internet khác đang được kỳ vọng là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp mở hướng kinh doanh mới. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp của Hải Dương cũng cần nắm bắt được cơ hội này. Thông qua thương mại điện tử, nhiều hàng hóa của Hải Dương sẽ vượt ra ngoài quốc gia để nâng giá trị, thương hiệu.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/ban-hang-tren-amazon-co-kho-khong-123379