Ban hành phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

Lực lượng chức năng khống chế ngọn lửa tại một vụ cháy rừng phòng hộ tại TX Sông Cầu vào năm 2019. Ảnh: PV

UBND tỉnh vừa ban hành phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả”, việc xây dựng phương án PCCCR mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm phân công, phân nhiệm, phân địa bàn để giúp chính quyền địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án CCR theo phương châm “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã và các thôn buôn trọng điểm.

Nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra để triển khai thực hiện phương án PCCCR trong năm nay. Trong đó, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016-2020 tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCCR trên địa bàn; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện công tác PCCCR, nhất là thời điểm nguy cơ cháy rừng cao và làm rõ trách nhiệm của địa phương, chủ rừng để rừng bị cháy (nếu có).

UBND cấp huyện chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án PCCCR trên địa bàn; kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo; ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR từ huyện đến xã, chủ rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của ban chỉ đạo huyện đối với UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện công tác PCCCR.

Đối với công tác tuyên truyền, khẳng định PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng, nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, chủ rừng về tác hại của cháy rừng, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy rừng. Đổi mới, lựa chọn nội dung, cách thức, hình thức tuyên truyền; trong đó tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về công tác cháy rừng, trách nhiệm pháp lý khi để xảy ra cháy rừng.

Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 86 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 1.200ha rừng trồng. Các vụ cháy chủ yếu ở rừng trồng sản xuất, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng do các hành vi sử dụng lửa thiếu an toàn trong rừng vào mùa nắng nóng như: đốt lấy mật ong, đốt để chăn thả gia súc, đốt để tìm phế liệu, xử lý thực bì để sản xuất nông nghiệp và vệ sinh rừng sau khai thác không đúng quy trình kỹ thuật…

Qua khảo sát, thống kê cho thấy, vùng trọng điểm cháy rừng hiện nay tập trung tại 7 đơn vị cấp huyện, thị xã với tổng diện tích rừng dễ có nguy cơ xảy ra cháy 108.448,88ha; đối tượng là rừng trồng các loại (gồm cả rừng trồng chưa thành rừng), trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn các huyện: Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa và TX Sông Cầu.

(PYP)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/237230/ban-hanh-phuong-an-phong-chay-chua-chay-rung-mua-kho.html