Băn khoăn cách xưng hô đang thành phổ biến

Cuộc sống biến động, thay đổi nên ngôn ngữ cũng biến động, thay đổi theo. Đó là quy luật không phải bàn cãi gì thêm. Trong quá trình đó, nhiều từ ngữ mất dần đi, mất hẳn nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều từ mới, thêm nét nghĩa mới.

Ảnh: Đức Thụy

Ảnh: Đức Thụy

Đã từng có suy nghĩ bỏ qua, cho qua, bởi có thể mình cố chấp, lạc hậu, cũ kỹ. Nhưng rồi khi chẳng riêng mình mà nhiều người có cùng suy nghĩ, phản ứng nên giờ xin ý kiến phát biểu.

Lan man, dài dòng cũng để quy về chỉ mấy từ thôi trong cách xưng hô và xuất hiện gần như “mặc định” một cách “tự nhiên” trong nhiều sự kiện đông người, trong chương trình truyền hình, phát thanh, tương tác thực tế, tiểu phẩm, tấu hài, họp hành, liên hoan, hội nghị…mà người viết cảm thấy không ổn. Tất nhiên, trong đó có những chương trình rất, rất nghiêm túc.

Từ everybody trong tiếng Anh có nghĩa: tất cả mọi người, mọi người, chỉ số đông , gần như không thể hiện sắc thái biểu cảm gì thêm. Điều này rất khác với nhiều từ cùng nghĩa ( đồng nghĩa) trong từ tiếng Việt. Bởi từ tiếng Việt bên cạnh nét nghĩa gốc, còn có nét nghĩa phái sinh, nghĩa tình thái, nghĩa biểu cảm rất phức tạp do nó luôn đi liền với ngữ cảnh, bối cảnh, cảm xúc, thái độ người sử dụng. Sắc thái biểu cảm trong từ tiếng Việt có thể nói là vô cùng độc đáo, phong phú, thú vị. Nhưng nó cũng đồng thời là cực hình với chẳng riêng người ngoại quốc không rành tiếng Việt khi sử dụng. Và đây là chỗ mà người viết muốn nhấn mạnh.

Có phải vì để hội nhập, tân thời, hiện đại cho ra “Tây” hay tiết giảm thời gian dẫu chỉ một giây, vài giây hay không mà bây giờ nhiều chương trình, bản tin truyền hình, phát thanh, phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình, nhân vật tham gia chương trình cứ vô tư ”mọi người” với “các bạn”trước đông đảo mọi người đủ các thành phần, lứa tuổi, vị trí. Học sinh, sinh viên phát biểu trước thầy cô, bạn bè cũng “chào tất cả mọi người”. Diễn viên nhí tham gia gameshow xuất hiện trước hàng trăm hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người cũng chẳng ngần ngại gì mà “xin chào mọi người” lúc xuất hiện, “cám ơn mọi người”, “hẹn gặp lại mọi người” lúc kết thúc, lui về phía sau. Đặc biệt là MC nhiều chương trình, cả những chương trình đình đám, cũng gần như cửa miệng: “chào mọi người”, “mọi người thấy thế nào”, “ xin mọi người một tràng pháo tay, một tràng pháo tay thật lớn”, “ xin cám ơn mọi người”, “ chúc mọi người ngủ ngon”. Nhiều sự kiện trong các cơ quan, đơn vị như kỷ niệm, mít tinh, liên hoan nhiều khi “thân thiết” quá thành thiếu nghiêm túc, thậm chí lổ mãng, sỗ sàng và khi đó không thiếu gì âm thanh “các bạn”, “mọi người” khuếch đại trên loa phóng thanh, chối lỗ tai không sao tả xiết.

Cách xưng hô với đối tượng bằng “mọi người”, “tất cả”, “tất cả mọi người”, “các bạn” sở dĩ khiến người nghe, người xem, người dự khán cảm thấy khó chịu là vì

từ “mọi người” chỉ số đông nhưng có tính xác định rất kém. “Mọi người” là ai trong ông A, bà B, anh C, em H…, trong hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu đối tượng đang trực tiếp liên hệ với người nói ? Do tính xác định kém, không rõ ràng, cụ thể, nên cách gọi đó vô hình chung biến đối tượng rộng lớn thành một tổ hợp, tập thể chung chung, dễ bị quy người nói có thái độ “trịch thượng”, “hỗn”, “vô lễ”, “cá mè một lứa” với đối tượng người xem, người nghe, người theo dõi, người tham gia.

Một thời gian, cách gọi đối tượng là “các bạn”, “mọi người” đã vấp phải sự phản ứng của nhiều công chúng, khán giả, các chuyên gia nên phải thay đổi cho phù hợp và đúng mực hơn. Kết thúc một bản tin thời sự, chuyển động 24 giờ, dự báo thời tiết,…phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình bây giờ đã không còn “kết thúc”, “tạm biệt” kiểu: “cám ơn các bạn”, “chào các bạn”,” hẹn gặp lại các bạn” mà thay vào đó là một cụm từ dài hơn mấy âm tiết nhưng đầy đủ thành phần, ý nghĩa và đặc biệt thể hiện sự tôn trọng người nghe, người xem: “kính chào ( chào) quý khán giả và các bạn”, “hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sau”,…

Thói quen sử dụng ngôn ngữ, để ngắn gọn, tiết kiệm thời gian, tất cả đều phải cân nhắc lựa chọn để tránh sai lầm không đáng có. Bởi vì lỗi xưng hô đã đánh mất sự tôn trọng đối tượng. Nhiều bạn bè thế hệ tôi thảy đều có cùng suy nghĩ và thái độ như vậy. Họ thậm chí lấy làm khó hiểu, khó chịu và cật vấn rất có lý, rằng: “ Ai là bạn, ai mọi người với mi- đứa trẻ ranh, hỉ mũi chưa sạch?”. Người “khó tính” nghiêm khắc hơn thì bảo: ” Tụi này hỗn, lên truyền hình, làm quản trò, làm chủ xướng mà ăn nói vô duyên, vô giáo dục”, “ Chương trình thế này thì hỏng bét, chỉ phản tác dụng”,…

Đấy, như vậy ăn nói, xưng hô sao cho phải phép, đúng mực, phù hợp đòi hỏi không chỉ ở khả năng vốn từ, dùng từ mà còn ở chỗ hiểu biết, nghĩa là vốn sống, là kiến văn. Chỉ khi có được điều đó mới thấy tiếng Việt giàu và đẹp như thế nào, như sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đắc ý và khuyên dạy.

Ý kiến có thể “khó chịu” này không ngoài mục đích xây dựng cách xưng hô sao cho hợp lẽ, hợp lý trong nhiều sự kiện, không gian, sự việc. Để nhà báo, nhà đài, MC, diễn viên, nghệ sỹ không phải mang tiếng thất thố, coi thường, để càng thêm được công chúng, khán thính giả ủng hộ, yêu thương, trân trọng.

Thất Sơn

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202003/ban-khoan-cach-xung-ho-dang-thanh-pho-bien-5674494/