Băn khoăn cơ chế vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Tại Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, nhiều ý kiến bày tỏ e ngại về cơ chế quản lý, vận hành, cũng như tính công khai, minh bạch khi sử dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Chiều 26.9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa của việc triển khai Luật Điện ảnh cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về một số quy định chi tiết của Luật và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Hầu hết đại biểu tham dự Hội nghị - Hội thảo ủng hộ tinh thần của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, nhất là về khung giờ hoạt động của các rạp phim, khung giờ chiếu phim dành cho trẻ em, tỉ suất chiếu phim Việt Nam trên các rạp, việc tham gia vào các dự án phim nhà nước đặt hàng...
Chủ đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ vận hành như thế nào để đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Nhiều ý kiến bày tỏ e ngại về cơ chế quản lý cũng như tính công khai, minh bạch khi sử dụng Quỹ.
Bên cạnh đó, cũng có băn khoăn về tính khả thi của quy định tỷ lệ 30% thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình tại Điều 11, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Hay Điều 12, Điều 13, dự thảo Nghị định liên quan đến việc phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng có thể dẫn đến phát sinh cơ chế "giấy phép con", khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim...
Phát biểu tổng kết Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, từ những ý kiến chia sẻ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định hiện hành của nhà nước. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, cũng một số điểm khó mà với thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động một cách chính xác, cần thời gian để hoàn chỉnh từ những căn cứ về pháp lý, đánh giá trên thực tế, đúc rút kinh nghiệm trong nước và quốc tế để đưa ra hướng giải quyết hiệu quả.