Băn khoăn hiệu quả thi trực tuyến
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thi học kỳ I, năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, hình thức thi này vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, cần nhiều giải pháp tốt hơn để nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng các kỳ thi trong trường hợp các trường học phải tổ chức thi, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.
Các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kỳ thi học kỳ I năm học 2021-2022, trong đó, một số trường phải tổ chức thi theo hình thức trực tuyến. Một số phụ huynh, học sinh vẫn băn khoăn về hiệu quả của kỳ thi; các giáo viên, nhà trường thì trăn trở với những khó khăn trong việc tổ chức thi học kỳ nói riêng và thực hiện các bài kiểm tra nói chung bằng hình thức trực tuyến.
Chị N.T.P, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên có con đang học tiểu học cho biết: “Trong khoảng thời gian tạm dừng đến trường từ cuối tháng 11 đến nay, lớp con tôi có làm một số bài kiểm tra online. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mặc dù cô giáo đã có sự giám sát việc làm bài của học sinh qua phần mềm, nhưng không thể triệt để, tôi vẫn thấy con thỉnh thoảng lại hỏi bài chị hoặc tìm kiếm câu trả lời trên thiết bị khác.
Mỗi lần bắt gặp, tôi đều nghiêm khắc nhắc nhở, nhưng không phải lúc nào tôi cũng bố trí được công việc để giám sát con làm bài kiểm tra. Chưa kể có lần con đang làm bài thì nhà mất điện đột ngột hoặc mạng internet trục trặc, con mới làm được một nửa, chưa kịp nộp bài, ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm cháu rất hoang mang.
Tôi băn khoăn không biết các gia đình khác giám sát con làm bài thi như thế nào, kết quả bài thi có đảm bảo đánh giá công bằng, khách quan năng lực của các con không”.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Yên Lạc diễn biến phức tạp, một số lớp của khối 4 và toàn bộ khối lớp 3 của Trường tiểu học Phạm Công Bình, xã Đồng Văn đã thi học kỳ trực tuyến.
Sau khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, học sinh toàn trường đã đi học trở lại và tham gia thi học kỳ. Với việc tổ chức thi cả trực tiếp và trực tuyến, các thầy, cô giáo của trường đã có dịp đánh giá và rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi.
Cô giáo Hoàng Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với hình thức thi trực tuyến, học sinh chủ yếu gặp một số khó khăn như thiếu thiết bị (máy tính, điện thoại) để làm bài thi, mạng internet không ổn định, gia đình gặp sự cố mất điện; có học sinh không có góc học tập riêng, gia đình sản xuất tại nhà nên gây nhiều tiếng ồn, mất tập trung trong quá trình làm bài, ảnh hưởng đến kết quả bài thi; giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc giám sát tính nghiêm túc khi làm bài thi của học sinh…
Về kết quả các bài thi được làm bằng hình thức trực tuyến, mặc dù có một số bài kết quả có chênh lệch so với học lực (điểm cao hơn hoặc thấp hơn nhiều) nhưng chỉ là số ít, về cơ bản các bài thi đều phản ánh được kết quả tiếp thu kiến thức của các em.
Để khắc phục những khó khăn khi thực hiện thi, kiểm tra, theo tôi ngoài tinh thần tự giác của các em học sinh thì rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh trong việc tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em mình như bố trí góc học tập đảm bảo yên tĩnh cho con, dành thời gian giám sát quá trình làm bài của con…”.
Thi trực tuyến mặc dù còn nhiều hạn chế so với thi trực tiếp như giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi; học sinh còn gặp khó khăn về thiết bị, mạng internet, môi trường làm bài thi không đảm bảo yêu cầu; quá trình làm bài thi chủ yếu phụ thuộc vào tinh thần tự giác, sự trung thực của học sinh...
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng như học trực tuyến, thi trực tuyến được coi là hình thức khó có thể thay thế. Vì vậy, thời gian tới, ngành Giáo dục cần có các biện pháp để nâng cao hiệu quả của các kỳ thi trực tuyến như hỗ trợ về mặt công nghệ hoặc có quy chế, quy định riêng đối với hình thức thi này để các bài thi trực tuyến có thể trở thành hình thức thi thứ hai chính thức.
Bên cạnh đó, rất cần sự tự giác, trung thực của học sinh và sự hỗ trợ từ các bậc phụ huynh để các bài thi trực tuyến thể hiện chính xác kết quả học tập học sinh.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/72177/ban-khoan-hieu-qua-thi-truc-tuyen.html