Băn khoăn khi đánh giá lại GDP

Mặc dù cách công bố thông tin về việc tính toán và công bố thay đổi tăng quy mô GDP của Tổng cục Thống kê có phần vội vã và gây nhiều xôn xao, song theo các chuyên gia, đây cũng là dịp để xem lại vai trò của chỉ số GDP đối với việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế.

Vấn đề này đã nhận được nhiều tranh luận đắt giá tại cuộc đối thoại chính sách “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 31/10.

Đánh giá lại quy mô nền kinh tế là hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế

Đánh giá lại quy mô nền kinh tế là hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế

Hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế

Lý giải về nguyên nhân phải tính toán lại quy mô GDP, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP, có nhiều vấn đề phát sinh cần rà soát, đánh giá lại trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn thông tin của Việt Nam ngày càng được cải thiện, song cũng vẫn còn nhiều hạn chế do cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh...

Vì vậy theo thông lệ quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện, các cơ quan thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP. Đây cũng là việc làm thường xuyên, định kỳ của các quốc gia trên thế giới. Đơn cử Indonesia vào năm 2015 đã công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP tăng thêm 6,45%; năm 2013 Nga đánh giá lại quy mô GDP tăng 24,3%, Đức 3%, Italia 7%; năm 2014 quy mô GDP của Bulgari tăng 31,2%, Rumani và Croatia cùng tăng 28,4%...

“Việc đánh giá lại quy mô này sẽ không ảnh hưởng các chỉ tiêu liên quan giai đoạn trước, mà mục đích chính là xem xét, rà soát lại để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 cho phù hợp”, bà Hương khẳng định.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cũng cho rằng, việc điều chỉnh quy mô GDP là bình thường tại các quốc gia trên thế giới. Song các yếu tố chính thúc đẩy việc điều chỉnh còn tuy thuộc hoàn cảnh của mỗi nước, như thay đổi, bổ sung số liệu, sửa đổi các phương pháp luận, tính toán thêm đóng góp của các ngành mới nổi…

Số liệu của IMF cho thấy, so sánh trong giai đoạn 2012-2014, quy mô điều chỉnh GDP của Việt Nam ở mức 24,5% không phải là quá lớn nếu so với một số nước khác như Nigeria hay Ghana điều chỉnh tăng tới 50-60%; Nicaragua và Nuigea điều chỉnh tăng 30-40%...

Thay đổi để phù hợp tình hình mới

Đồng quan điểm rằng việc tính toán lại quy mô GDP là hoạt động bình thường và phổ biến ở các quốc gia, song PGS. - TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, cần đánh giá lại vai trò của chỉ số này đối với việc quản lý và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế. Trước hết cần hiểu rằng quy mô GDP tăng lên không làm tăng thu nhập của mỗi người dân trên thực tế mà chỉ là trên sổ sách. Tuy nhiên, chỉ số này quan trọng vì làm thay đổi toàn bộ quy mô, hình ảnh, sức khỏe của nền kinh tế, quy mô nền tài chính công của Việt Nam.

Ông Thế Anh chỉ ra thực tế, với GDP, Việt Nam cũng như nhiều nước khác gặp vấn đề không chỉ ở khó khăn của công tác thống kê mà còn bắt nguồn từ cấu trúc nền kinh tế.

Ví dụ GDP được sử dụng để đo lường thu nhập bình quân đầu người, nhưng chỉ số này không chỉ bao gồm thu nhập người Việt Nam tạo ra mà còn bị lẫn cả thu nhập người nước ngoài tạo ra tại Việt Nam, hay lãi vay nước ngoài. Hiện nay trong cấu trúc kinh tế Việt Nam, khu vực FDI chiếm tỷ trọng rất lớn. Thống kê thực trạng DN năm 2018 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có 15.000 DN FDI và tổng lợi nhuận tạo ra bằng 80% lợi nhuận trước thuế của khu vực trong nước.

Vấn đề khác là GDP của Việt Nam bao gồm cả những khoản đầu tư, chi tiêu không đem lại hiệu quả kinh tế như đầu tư cho 12 dự án “đắp chiếu” của Bộ Công thương, hay các dự án lớn chậm tiến độ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động sản xuất tạo ra tác động xấu cho nền kinh tế, như tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng đang được tính thành điểm cộng cho GDP.

Một nguy cơ tiềm ẩn khác là các chỉ tiêu tài chính công gắn với GDP sẽ giảm đáng kể, cách xa mức trần. Cụ thể là nợ công giảm từ 56,1% GDP xuống còn 44,7%; nợ Chính phủ giảm từ 49,2% còn 39,2%; nợ nước ngoài giảm từ 45,8% còn 36,5%; thâm hụt ngân sách giảm từ 3,6% còn 2,9%. Điều này hàm ý nếu Quốc hội sử dụng trần cũ thì dư địa để chi tiêu công sẽ tăng lên rất mạnh.

Do đó, ông Thế Anh khuyến nghị, bên cạnh thước đo GDP, Quốc hội nên sử dụng các thước đo khác như thu ngân sách, tỷ trọng nợ công trên thu ngân sách, nợ nước ngoài trên dự trữ ngoại hối… vì thu ngân sách là thu nhập ổn định và là yếu tố thực chất hơn GDP.

Giải đáp các lo ngại về việc thay đổi quy mô GDP, TS. Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khi tính lại GDP, cơ quan này đã tính toán một loạt chỉ tiêu dẫn xuất và phụ thuộc vào GDP. Từ bức tranh xác thực về quy mô nền kinh tế, Tổng cục Thống kê sẽ có báo cáo, tham vấn cho Chính phủ đánh giá tác động của việc điều chỉnh. Chẳng hạn, như một loạt chỉ tiêu tính toán theo GDP, như tài khóa, tiền tệ sẽ thay đổi. Khi đó, Chính phủ cũng phải hoạch định lại chính sách để phù hợp với quy mô GDP mới.

“Đơn cử như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, nếu GDP tăng lên thì tỷ lệ này giảm đi, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá lại thời gian qua chúng ta đã thu thế nào, thu hết chưa, chính sách thuế có phù hợp không, có nuôi dưỡng nguồn thu không…”, ông Lâm nói.

Đối với các chỉ tiêu nhạy cảm như nợ công, chi tiêu Chính phủ… Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, các ngưỡng an toàn sẽ do Chính phủ, các nhà kinh tế tính toán sao cho phù hợp. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh không nên quá cứng nhắc với các ngưỡng này, bởi “chúng ta cần thay đổi sao cho phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế toàn cầu”.

Ngọc Khanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ban-khoan-khi-danh-gia-lai-gdp-94125.html