Băn khoăn với đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe

Tại dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất giảm thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) xuống còn 5 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn trên chỉ nên áp dụng với một số hạng GPLX, còn lại nên theo quy định như hiện nay là 10 năm đối với các hạng B1, B2.

Người dân TP.Biên Hòa thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Dương Ngọc

Người dân TP.Biên Hòa thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Dương Ngọc

* Chưa thực sự cần thiết

Cụ thể, tại Khoản 9, Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; các GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Trong khi đó theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải, máy kéo trọng tải dưới 3,5 tấn có thời hạn 10 năm. Còn các loại bằng lái hạng C đối với ô tô tải, máy kéo trên 3,5 tấn; hạng D1 gồm ô tô chở người từ
10-30 chỗ; hạng D ô tô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container thời hạn 5 năm.

Theo Điều 17 Thông tư 12/2017 ngày 15-4-2017 của Bộ GT-VT quy định về thời hạn của GPLX như sau: hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Đối với GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Bộ Công an cho rằng, mục đích của đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe là để quản lý tốt hơn sức khỏe của tài xế. Thời hạn cấp sử dụng GPLX ô tô 10 năm như hiện nay là quá dài. Trong khoảng thời gian này, người lái xe có sự thay đổi về sức khỏe, không đủ đảm bảo để lái xe nhưng cơ quan chức năng khó phát hiện nên dễ gây ra nhiều hệ lụy không tốt.

Xét từ thực tế cá nhân, ông Đinh Văn Đại (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, rút ngắn thời hạn bằng lái xuống còn 5 năm sẽ mất nhiều thời gian của người dân mỗi lần đi đổi bằng lái. Việc điều chỉnh này còn tăng khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước từ đó cũng kéo theo việc tốn chi phí, nhân lực trong việc quản lý.

“Trường hợp nếu muốn rút thời hạn GPLX cũng cần nghiên cứu kỹ, có thể chia ra độ tuổi của lái xe cho phù hợp. Theo tôi thì chỉ những người trên 50 tuổi trở lên cấp 5 năm; xe chở khách và xe tải các loại thì cấp 5 năm. Còn xe dưới 9 chỗ, xe ô tô cá nhân mà người lái tuổi còn trẻ thì cấp 10 năm” - ông Đại phân tích.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thành, giáo viên dạy lái xe của Trường cao đẳng Nghề số 8 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, vẫn nên giữ nguyên theo quy định cũ. Bởi việc cấp đổi lại GPLX còn đi kèm nhiều thủ tục phát sinh. Trong đó, ngoài việc phải khám sức khỏe lại cho người lái xe, thời gian học bổ sung lý thuyết thì chi phí, lệ phí cấp đổi cũng sẽ gây tốn kém cho người dân.

Trong khi đó, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được Bộ GT-VT lấy ý kiến cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay. Trước đây, để tạo thuận lợi cho người dân, pháp luật đã điều chỉnh thời hạn của bằng lái từ 5 năm lên 10 năm. Đến nay, sau nhiều năm thực hiện ổn định thì việc quay lại quy định như trước là không cần thiết.

* Nên cân nhắc thận trọng

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực giao thông, việc quy định về thời hạn cấp đổi GPLX như hiện nay phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, ngăn ngừa tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ nguyên nhân người lái xe thì quan trọng nhất vẫn là chế tài xử phạt nghiêm minh. Nếu người dân vi phạm thì các cơ quan chức năng căn cứ vào các quy định pháp luật để đưa ra hình phạt bổ sung như tước bằng lái vĩnh viễn hoặc học lại kiến thức về lái xe.

Ông Triệu Minh Tuấn (làm nghề lái xe taxi ở TP.Biên Hòa) cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ các ngành chức năng thời gian tới cần được quản lý chặt, thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Đầu tiên, khi người dân có nhu cầu học bằng lái xe thì giấy chứng nhận sức khỏe cần cấp đúng, tránh tình trạng “mua bán”, làm giả. Việc học lý thuyết, thực hành và thi sát hạch cũng cần chặt chẽ, đúng quy định.

“Công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng trên đường cũng vô cùng quan trọng. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ra quân xử lý xuyên suốt, minh bạch thì những trường hợp vi phạm hay không đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện sẽ được ngăn chặn hiệu quả” - ông Tuấn bộc bạch.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Minh Thư (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho hay, quan trọng vẫn là ý thức khi tham gia giao thông, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về giao thông phải thật mạnh. Đối với những vi phạm gây nguy hiểm, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì các ngành chức năng cần bổ sung thêm hình phạt tước bằng lái vĩnh viễn chứ không cần thiết phải chỉnh sửa kéo giảm thời hạn của GPLX.

“Nếu sức khỏe không đảm bảo thì hầu hết người dân sẽ tự ý thức được để không dám cầm lái. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua nguyên nhân không phải do sức khỏe của lái xe mà còn do ý thức chấp hành pháp luật giao thông và những nguyên nhân khác” - bà Thư nói.

Dương Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202008/ban-khoan-voi-de-xuat-rut-thoi-han-giay-phep-lai-xe-3019477/