Ban mai không yên ả
Khu trung tâm xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vào buổi sáng trung tuần tháng 12/2020 có điều gì đó diễn ra rất khác lạ. Mặc dù thời điểm này, đại dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiều khu vực bị phong tỏa, nhưng hàng trăm con người vẫn đổ về đây để tham dự phiên tòa lưu động xét xử tội phạm ma túy.
Với số lượng tang vật lên đến 6kg ma túy vận chuyển qua biên giới, ai cũng mường tượng đến bản án cao nhất dành cho kẻ phạm tội, tuy nhiên, lời tuyên án của vị chủ tọa vẫn tạo nên sự trầm lắng bao trùm lên phiên tòa. Ở ngoài sảnh phòng xét xử, tiếng gào khóc của người phụ nữ như xé toang bầu không khí tĩnh lặng, cảnh báo những buổi ban mai không hề yên ả nơi vùng ngã ba Đông Dương…
Độ lỳ của kẻ sống chết với ma túy
Trước khi bị đưa ra bục khai báo để nhận bản án tử hình, Hà Văn Ân (sinh năm 1985, dân tộc Thái), quê ở xã Tân Kỳ, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có nhiều cơ hội để tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc, lương thiện, dù bản thân là con nghiện ma túy hạng nặng.
Bỏ quê hương vào vùng ngã ba Đông Dương sinh sống, Hà Văn Ân kết duyên với chị Y.T., người phụ nữ cùng tuổi dân tộc Brâu, làm nông ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Những tưởng, đây là môi trường thuận lợi để con nghiện này “vượt qua cơn mê” làm lại cuộc đời, bởi thôn Đắk Mế là nơi sinh sống của hơn 170 hộ gia đình người dân tộc Brâu - cộng đồng thiểu số nằm trong “sách đỏ” hiện đang được Nhà nước duy trì cơ chế bảo tồn đặc biệt với rất nhiều chính sách ưu tiên cũng rất đặc biệt, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống cho nhân dân. Và tất nhiên, gia đình của Ân cũng nằm trong diện đó.
Tuy nhiên, với kẻ ít học nhưng đầy lọc lõi như Hà Văn Ân thì đây là tấm vải lụa che mắt thiên hạ để hắn âm thầm trượt dài trên con đường phạm pháp, để đến khi sực tỉnh thì cũng là lúc chạm vào “điểm cuối” cuộc đời. Bên cạnh mối quan hệ tình cảm lăng nhăng, phức tạp ngoài xã hội, hắn còn có những động thái móc nối liên lạc với các đối tượng phi pháp từ bên kia biên giới để làm ăn bất chính trên khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y và đã không ít lần nhận được lời cảnh báo từ lực lượng chức năng.
Thiếu tá H., một trinh sát Biên phòng dày dạn kinh nghiệm chống tội phạm ma túy trên vùng ngã ba Đông Dương chia sẻ: “Cá nhân tôi đã từng trực tiếp gặp mặt, nói chuyện với Hà Văn Ân để khuyên hắn từ bỏ ý định vượt biên trái phép sang Lào móc nối vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Thậm chí, tôi đã cảnh báo rằng, nếu “nhúng chàm”, lực lượng chức năng sẽ bắt bất kỳ lúc nào, tuy nhiên, hắn vẫn không chịu từ bỏ ý định phạm pháp”. Để đến khi tra tay vào còng số 8, đối mặt với chính Thiếu tá H. và đồng đội, Ân mới nhận ra lời khuyên bảo, răn đe trước đây của BĐBP chính xác đến từng… mi li mét.
Chuyên án KT 420 và cuộc tiếp đón trên đường biên giới
Hà Văn Ân đích thị là tên tội phạm lỳ lợm, sống chết với ma túy. Bởi, chỉ 3 tháng trước khi sa lưới pháp luật, hai kẻ “đồng môn” gần nhà của hắn là Thao Poóc và Thao Xay (dân tộc Brâu, ngụ ở thôn Đắk Mế) đã bị BĐBP bắt giữ khi đang vận chuyển 3kg ma túy tổng hợp dạng đá từ Lào về Việt Nam trên trục đường 18 và cũng nằm trên khu vực ngã ba Đông Dương. Có lẽ, hắn không biết sợ là do bị lóa mắt trước khoản tiền công 50 triệu đồng của một “bố già” nào đó hứa trả nếu vận chuyển ma túy trót lọt qua biên giới. Cũng có thể, tên tội phạm này quá tự tin trước “ngón nghề” tương kế, tựu kế mà hắn bày ra dọc cung đường vận chuyển.
Sáng sớm ngày 19/6/2020, nhận được cuộc điện thoại từ “đối tác”, Hà Văn Ân cải trang thành người đi rừng, lặng lẽ vượt biên sang Lào để tìm đến điểm hẹn. Hắn không hề biết rằng, buổi ban mai hôm đó đến với mình không hề yên ả. Bởi, mọi di biến động của hắn đều lọt vào “tầm ngắm” của Ban chuyên án KT 420 do Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum xác lập trước đó. Kể cả khi tên tội phạm ranh ma này tương kế tựu kế dùng cành cây, ngọn cỏ hay đụn cát nằm giữa đường để đánh dấu thì rừng xanh vẫn tĩnh lặng, hiện trường vẫn được giữ nguyên.
Sau gần 1 tuần lưu lại bên đất Lào, khoảng 14 giờ, ngày 25/6/2020, Hà Văn Ân quay lại con đường cũ. Vừa đi, hắn vừa cẩn thận soi từng bước chân và những dấu hiệu đã cố tình tạo ra trước đó. Không có bất kỳ điều gì bất thường, hắn yên tâm vượt qua biên giới đi thẳng về hướng thôn Iệc (xã Pờ Y).
Tuy nhiên, khi vừa qua mốc Quốc giới 2.1, Hà Văn Ân đã được “tiếp đón” rất gọn ghẽ bằng một đội hình “chặn đầu khóa đuôi” do Ban chuyên án KT 420 bày ra, khiến hắn không kịp trở tay. Qua khám xét nhanh, lực lượng đánh án phát hiện, bên trong ba lô của đối tượng có 6 túi nilon chứa chất rắn màu trắng dạng tinh thể (qua giám định, tất cả đều là ma túy, trong đó có 4.985,25g Methamphetamine và 996,77g Ketamine). Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Hà Văn Ân đã phải cúi đầu nhận tội.
Ban mai không yên ả
Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, tính từ trước và sau ngày Hà Văn Ân bị bắt, trên địa bàn thôn Đắk Mế có tới 5 đối tượng liên quan đến ma túy lần lượt sa lưới pháp luật. Điều này cho thấy, tội phạm ma túy đã và đang “lập cứ địa” ngay tại ngôi làng của người dân tộc thiểu số đặc biệt Brâu trên vùng ngã ba Đông Dương. Và với đà “tăng trưởng” đều như thế, rất có thể, thôn Đắk Mế nói riêng, vùng ngã ba Đông Dương nói chung sẽ còn phải đón rất nhiều buổi ban mai không yên ả.
Trở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động Hà Văn Ân vào buổi sáng trung tuần tháng 12/2020. Sau khi tòa tuyên án, gia đình người thân của kẻ tử tội gần như ngã quỵ vì nỗi đau do ma túy gây nên. Tiếng gào khóc của chị Y.T. (vợ Hà Văn Ân) bên ngoài phòng xét xử như xé toang bầu không khí tĩnh lặng của buổi ban mai đầy nắng nơi vùng biên giới Pờ Y. Công lý đã được thực thi, kẻ phạm tội phải đền tội. Tuy nhiên, di chứng do “cái chết trắng” gây nên thì vẫn cứ “thấm sâu” vào thân phận của những con người vô tội (vợ và con của Hà Văn Ân). Với họ, buổi sáng hôm ấy chắc chắn sẽ là “buổi ban mai” khởi đầu cho chuỗi ngày dài không hề yên ả đang chờ đợi phía trước.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-mai-khong-yen-a-post460998.html