'Bàn tay vàng' của Nhà máy Z133

Mỗi khi nhắc đến, đồng đội luôn dành nhiều lời khen tặng, quý mến, tôn vinh chị là 'bàn tay vàng' của nhà máy. Khi có nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới, lãnh đạo chỉ huy yên tâm, tin tưởng giao cho chị. Trong gia đình, chị là người vợ hiền, dâu đảm, khéo ứng xử trong các mối quan hệ… Chị là Thượng úy QNCN Phạm Thị Bình, Tổ trưởng Tổ sản xuất, Phân xưởng Cơ khí chính xác, Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật).

 Chị Phạm Thị Bình trong ca làm việc.

Chị Phạm Thị Bình trong ca làm việc.

“Thành công của tôi hôm nay có công rất lớn của anh ấy. Anh không chỉ là người luôn bên cạnh động viên, chia sẻ những lúc tôi gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn dành nhiều thời gian chăm lo cho tổ ấm gia đình, bảo ban dạy dỗ hai con để tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ”, chị Bình tự hào khi nói về chồng mình-Thiếu tá QNCN Bùi Đức Thăng, nguyên thợ hàn của Nhà máy Z133.

Và rồi, những ký ức gần 30 năm về trước cứ thế được chị trải lòng. Năm 1994, vừa tốt nghiệp THPT, chị vào học tại Trường Trung học Kỹ thuật và dạy nghề Phú Thọ (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng). Tại đây, anh Thăng-khi ấy cũng đang học nghề, bắt đầu để ý đến cô gái có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mau mồm mau miệng. Kết thúc một năm học nghề, anh Thăng trở về Nhà máy Z133 nhận nhiệm vụ, chị Bình lúc đó chưa biết mình sẽ về làm việc ở đâu. Thế rồi, năm 1996, chị Bình được tuyển dụng vào Nhà máy Z133. Lúc này, anh Thăng là thợ hàn, chị Bình là thợ tiện và thường xuyên có mặt trong các hoạt động phong trào của nhà máy. Tình yêu giữa hai người nảy nở theo thời gian để rồi kết thúc bằng một đám cưới đầm ấm trong niềm vui của gia đình, họ hàng hai bên và những người lính thợ.

Hạnh phúc gia đình tiếp thêm động lực cho vợ chồng chị Bình-anh Thăng nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Theo chia sẻ của chị, nghề cơ khí không chỉ đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt, sức chịu đựng, sự kiên trì, mà còn yêu cầu phương pháp làm việc khoa học, cẩn thận, tỉ mỉ. Bản thân chị luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, khó. Phân xưởng nơi chị làm việc có đặc thù công việc là gia công các chi tiết sản phẩm phục vụ cho sửa chữa vũ khí với kích thước nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao.

Quá trình sản xuất, nhận thấy để gia công một số chi tiết bằng phương pháp thông thường mất rất nhiều thời gian mà độ chính xác không cao, không bảo đảm chất lượng sản phẩm và tiến độ, thậm chí có thể dẫn đến hỏng sản phẩm, trong khi các trang thiết bị máy móc của phân xưởng phần lớn đã cũ... chị Bình dành thời gian tìm hiểu trên internet, nghiên cứu qua các tài liệu... để việc gia công các chi tiết được chính xác hơn, rút gắn thời gian thao tác trên máy.

Theo thời gian, chị lần lượt cho ra đời nhiều sáng kiến. Từ năm 2012 đến nay, chị đã có 14 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được Hội đồng khoa học của nhà máy đánh giá cao về hiệu quả, không những giúp chị hoàn thành nhiệm vụ, mà còn giúp những công nhân mới vào nghề có thể sử dụng và thao tác trên máy một cách thuận lợi.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, là người phụ nữ trong gia đình, chị Bình đã sắp xếp khoa học, hài hòa giữa nhiệm vụ đơn vị và vai trò của người "giữ lửa" tổ ấm gia đình. Con trai lớn của chị là Bùi Phạm Trường Giang hiện là sinh viên năm thứ nhất; cô con gái Bùi Phạm Bảo Anh năm nào cũng là học sinh giỏi của trường phổ thông. Cách đây 3 năm, chồng chị nghỉ hưu, càng là hậu phương vững chắc giúp chị thêm toàn tâm toàn ý trong thực hiện nhiệm vụ.

Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân, nhiều năm liền chị Bình được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen năm 2016; là điển hình tiên tiến tiêu biểu 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (2014-2019). Tổ sản xuất do Thượng úy QNCN Phạm Thị Bình phụ trách nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.

Bài và ảnh: ĐỖ MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ban-tay-vang-cua-nha-may-z133-610041