Bàn thờ tổ tiên ngày Tết - Nét đẹp văn hóa của người Việt
Từ xa xưa, bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt, không kể giàu, nghèo hay địa vị xã hội.
Thờ cúng tổ tiên nhất là những ngày Tết đến Xuân về là một nét đẹp văn hóa truyền thống tỏ lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kị đã khuất.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào nước ta, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc.
Ngôi nhà truyền thống của người Việt thường có ba hoặc năm gian, trong đó gian giữa được coi là chỗ trang trọng nhất, là trung tâm của nhà nên bàn thờ thường được lập ở chính giữa gian này. Tùy quy mô ngôi nhà và cũng tùy mức sống từng gia chủ mà bàn thờ có kích thước và hình thức khác nhau.
Những gia đình nghèo khó, với những đồ đạc trong nhà cũng đơn sơ, thì bàn thờ có khi chỉ là vạt phên tre giữa hai cột trong của gian giữa, bên trong có bát hương nhỏ.
Còn ở những gia đình thuộc loại “thường thường bậc trung” trở lên, thì bàn thờ được đóng đàng hoàng. Có gia chủ còn dùng mặt tủ làm bàn thờ hoặc đóng cái giá gác làm lên tường. Cho dù bàn thờ có được thiết kế ra sao thì điều quan trọng nó luôn phải ở vị trí trang trọng, có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với tổ tiên.
Trên bàn thờ có thể có khám, ngai hay đặt bài vị được chạm khá cầu kỳ và sơn thếp cẩn thận. Trước bài vị có một hương án rất cao. Trên hương án này, tại chính giữa là một bát hương để cắm hương khi cúng lễ. Bát hương được chăm nom rất cẩn thận, chu đáo và không được xê dịch. Đằng sau bát hương là một chiếc kỷ nhỏ, trên kỷ có ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm. Ba đài này đựng ba chén rượu nhỏ lúc cúng lễ. Hàng ngày, đài được đậy nắp để tránh bụi bặm, chỉ mở ra trong những dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một. Hai bên bát hương là hai cây đèn (hai ngọn đèn dầu) hoặc hai cây nến (ngày nay tại các đô thị, người ta thắp hai cây đèn điện). Gần hai bên bát hương, ngoài hai cây đèn có khi còn có hai con hạc chầu hai bên. Ở mé ngoài hai cây đèn, gần hai đầu hương án là hai ống hương dùng để đựng hương.
Ngoài các đồ thờ trên, còn có một lọ độc bình hoặc đôi song bình bày trên bàn thờ để cắm hoa trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết. Tấm biển treo cao nằm ngang trên mé trước bàn thờ, trên có những chữ Hán thật lớn, nhiều nhà dùng chữ Nôm (thường là ba, bốn chữ) là hoành phi. Hai bên cột hoặc hai bên tường nhà có treo những câu đối...
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, kiến trúc nhà ở nông thôn ít biến đổi, nên kiểu bàn thờ cổ truyền vẫn phát huy tác dụng, song những ngôi nhà có kiến trúc, nội thất hiện đại ở thành phố thì cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi sao cho phù hợp với toàn cảnh ngôi nhà (chiếc hương án cầu kỳ, những bức hoành phi, câu đối không còn phù hợp với nội thất nhiều gia đình).
Trước mỗi biến cố xảy ra trong gia đình (chẳng hạn như: dựng vợ gả chồng cho con cháu; con cháu chuẩn bị đi thi; làm nhà mới; làm ăn; vợ sinh con; lập được công danh; trong nhà có người đau ốm, có người chuẩn bị đi xa, làm việc lớn...), đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Việc hiện nay hầu hết các cặp cô dâu chú rể đều làm lễ vu quy hay nghinh hôn trước bàn thờ gia tiên cũng là một điểm rất độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Tết đến Xuân về là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho 5 mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).
Ở mỗi miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thỏa mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ) và Xài (là cách đọc chệch của âm xoài).
Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường...
Những sản vật đẹp mắt nhất, tinh túy nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ Tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.