Bán thuốc lá phía ngoài cổng trường học trong phạm vi 100m là vi phạm pháp luật

Không khó để bắt gặp cảnh học sinh đang mặc đồng phục hút thuốc lá trên đường phố, trong quán cà phê, thậm chí trong nhà vệ sinh trường học. Việc mua một bao thuốc lá điếu hay mua thuốc lá điện tử không quá khó đối với nhiều học sinh. Thậm chí các chủ hàng còn tranh thủ bán trên các trang mạng xã hội và 'ship' tận tay học sinh.

 Ảnh minh họa: D.Trương

Ảnh minh họa: D.Trương

Một người dân sống ở khu vực gần trường học (Hải Phòng) bức xúc khi chứng kiến chủ một cửa hàng gần cổng trường bán thuốc lá cho học sinh, những em nhỏ tầm 12-15 tuổi. Người này cho biết: "Các điểm bán thuốc lá gần khu vực nhà tôi thường kết hợp bán tạp hóa đồ dùng học sinh, có nhiều khách hàng là các em mặc đồng phục học sinh. Nhiều lần tôi thấy chính các em này cũng mua thuốc lá. Ngoài ra, việc đăng hình ảnh một số loại thuốc lá điện tử lên trang facebook cá nhân có bị coi là vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?".

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - Ảnh: Kiều Trang

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - Ảnh: Kiều Trang

Theo Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc đăng hình sản phẩm thuốc lá điện tử lên trang facebook cá nhân có thể được xem xét là quảng cáo thuốc lá điện tử. Bởi theo quy định của pháp luật, "quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân".

Hiện nay, thuốc lá là sản phẩm bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 Luật quảng cáo 2012. Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo có bao gồm quảng cáo thuốc lá. Hành vi quảng cáo thuốc lá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50-70 triệu đồng đối với cá nhân hoặc gấp đôi mức phạt tiền này đối với tổ chức.

Về việc điểm bán thuốc lá, theo quy định, người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

Không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm như: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; tùy từng địa điểm cụ thể mà việc cấm được thực hiện tuyệt đối trong trong nhà và trong phạm vi khuôn viên hoặc trong nhà.

Luật cũng nêu rõ, không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

"Tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cũng quy định nghiêm cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Với các hành vi vi phạm điều kiện của điểm bán và bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi theo quy định như trên, pháp luật Việt Nam đã có quy định xử phạt", Luật sư Đặng Thành Chung nhấn mạnh.

Điều 26 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt Vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá nêu rõ: Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những cửa hàng kinh doanh nếu vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 1-3 tháng. Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi theo quy định. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.

Luật sư Đặng Thành Chung cũng nhấn mạnh thêm, Khoản 4 Điều 23 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 1-3 tháng.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ban-thuoc-la-phia-ngoai-cong-truong-hoc-trong-pham-vi-100m-la-vi-pham-phap-luat-20240917132951362.htm