Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng tạo động lực phát triển của tỉnh
Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức để cho ý kiến vào nhiều nội dung tạo động lực phát triển của tỉnh thời gian tới.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và theo nhu cầu của thị trường lao động... Theo đó, mục tiêu Đề án nêu: Đổi mới căn bản và xây dựng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà trường, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tạo bước chuyển cơ bản về chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường cao đẳng có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao (trong đó tập trung vào 4 ngành: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản), nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Đến năm 2045 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế.
Đề án gồm 4 phần gồm: Phần I - Sự cần thiết, căn cứ và phạm vi xây dựng Đề án; phần II - Thực trạng về quá trình xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2017-2022; phần III - Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phần IV - Tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến vào Đề án, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chia sẻ với những khó khăn của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua. Tuy nhiên, trong xây dựng Đề án cần xác định rõ nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng của xã hội đối với các ngành nghề thực tế, nhất là những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, thủy sản và lâm nghiệp.
Nhà trường cần phải nghiên cứu về thị trường đào tạo nghề; cân nhắc đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi. Cùng với đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, cơ cấu ngành nghề gắn với nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường.
Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, chuẩn bị Đề án công phu, nghiêm túc, kết cấu bố cục, nội dung các phần của Đề án trình bày khoa học, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1030 ngày 15/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa. Sau hơn hai năm thực hiện sáp nhập, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ có hiệu quả của các ban, sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn, đến nay nhà trường đã đi vào hoạt động nền nếp, bộ máy tổ chức được kiện toàn, nội bộ đoàn kết, thống nhất và có quyết tâm xây dựng nhà trường phát triển.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là nâng cao vị thế của một trường đứng chân trên địa bàn tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, người lao động trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Cần quan tâm đến công tác truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của nhà trường. Tăng cường giao lưu, kết nối với doanh nghiệp để trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong quản trị và định hướng đào tạo gắn với lĩnh vực đào tạo của nhà trường, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Xây dựng môi trường đào tạo thân thiện, phát huy tốt vai trò người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực để phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện Đề án bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và có tính khả thi cao khi triển khai thực hiện.
Tiếp đó, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến về Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tờ trình nêu rõ: Việc lập Chương trình phát triển đô thị theo định hướng của Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, làm cơ sở để xác định các khu vực phát triển đô thị, cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị cần đạt được theo từng giai đoạn quy hoạch. Bên cạnh các nội dung, giải pháp cụ thể hóa kế hoạch xây dựng phát triển đô thị, Chương trình cũng xác định các giải pháp khắc phục những tiêu chí còn thiếu, còn yếu, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, đặc biệt là sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn.
Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa nhằm hoạch định kế hoạch phát triển đô thị, từng bước xây dựng, phát triển đô thị bền vững tương xứng với vai trò, vị thế, chức năng của đô thị Thanh Hóa trong giai đoạn hội nhập, phát triển.
Về quan điểm và mục tiêu phát triển đô thị, Chương trình phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị được duyệt. Huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác phát triển đô thị. Phát huy thế mạnh của khoa học - công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị. Xác định khu vực phát triển đô thị, danh mục dự án đầu tư làm cơ sở để huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 06-NQTW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và nêu rõ: Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Hiện các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện. Một trong những nội dung thực hiện quy hoạch chung đô thị là phải có chương trình phát triển đô thị. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để tỉnh Thanh Hóa tiến hành sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung tờ trình, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để làm rõ căn cứ trong việc tổ chức thực hiện trên tinh thần trước năm 2025 sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, mở rộng khu vực nội thị, thành lập 7 phường, trên cơ sở từ nguyên trạng các xã, thị trấn: Hoằng Quang, Hoằng Đại, Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh và Đông Văn.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại hội nghị để hoàn thiện trước khi trình HĐND tỉnh xem xét quyết nghị.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng gồm: Việc giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên được hỗ trợ kinh phí trong các trường mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2023 và kế hoạch giao biên chế năm 2024; Phương án điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các dự án; việc đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Bến Sung (Như Thanh); việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Cành Nàng (Bá Thước); dự thảo Kế hoạch hoạt động đối ngoại tỉnh Thanh Hóa năm 2024; dự thảo Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; dự thảo Kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị “Về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh; dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Tinh ủy về kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Hội nghị cũng đã xem xét cho ý kiến vào Dự thảo các Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) đối với: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân; dự thảo các Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn; cá nhân đồng chí Bí thư, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và đồng chí Trưởng Công an huyện Triệu Sơn; Dự thảo các Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc và khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2022 đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện Nga Sơn, Quảng Xương; cá nhân đồng chí Bí thư, các đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy các huyện Nga Sơn, Quảng Xương.