Bản tin 27/1: Tăng chỉ tiêu, giảm phương án xét tuyển học bạ

Tuyển sinh đại học năm 2024: Tăng chỉ tiêu, giảm phương án xét tuyển học bạ; Sau tiếng nổ lớn một học sinh bị thương nặng...

Tuyển sinh đại học năm 2024: Tăng chỉ tiêu, giảm phương án xét tuyển học bạ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo Đầu Tư, năm 2024, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).

Trường đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH) dự kiến tuyển 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học (tăng 2.600 chỉ tiêu so với năm ngoái). Năm nay, Trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: kinh tế số, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật nhiệt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ tài chính. Trong đó, với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh lưu ý, trường nhận hồ sơ học bạ theo từng đợt.

Trường đại học Hoa Sen dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới.

Còn Trường đại học Phenikaa dành 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có các ngành mới gồm: kỹ thuật điện tử - viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn); an toàn thông tin; trí tuệ nhân tạo, marketing; công nghệ tài chính, kỹ thuật hình ảnh y học, quản lý bệnh viện và y học cổ truyền.

Cùng với đó, phương thức tuyển sinh của Phenikaa có sự thay đổi so với năm 2023: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển dựa vào học bạ THPT; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một số trường không chọn phương án xét tuyển học bạ. Chẳng hạn, Trường đại học Y Hà Nội không xét tuyển bằng điểm học bạ. Đại học Bách khoa Hà Nội bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, mà xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy.

Trường đại học Luật Tp.HCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.

GS.TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ là hợp lý.

Trên bình diện chung, kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2024 không có nhiều thay đổi lớn về quy trình, các mốc thời gian và đặc biệt là cách thức xét tuyển. Nhưng vẫn có một số lưu ý mà thí sinh cần nắm rõ để có chiến lược ôn tập và đăng ký xét tuyển hiệu quả trong mùa tuyển sinh năm nay.

Thông tin từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định, thí sinh không cần lo lắng sẽ đánh mất cơ hội.

“Dù xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa thì cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi, nên các em cứ yên tâm học và ôn tập theo định hướng của nhà trường, thầy cô”, đại diện Vụ Giáo dục đại học trấn an.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường đánh giá, đối chiếu, so sánh kết quả học tập của sinh viên qua từng năm với các phương thức xét tuyển đầu vào để thấy được sự tương quan, từ đó có cơ sở điều chỉnh phương thức xét tuyển.

Dù các trường điều chỉnh ra sao cũng phải dựa trên yếu tố chất lượng đầu vào vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cả quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, thương hiệu, uy tín của các trường với các bên liên quan. Với học bạ, đây là kết quả đánh giá quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào 1 hay 2 cuộc thi, nên vẫn là kênh thông tin quan trọng được nhiều trường đại học sử dụng để tuyển sinh.

Năm 2023, chi phí tiêm vắc-xin phòng bệnh dại lên tới 600 tỷ đồng

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023 cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022; 500.000 người phải tiêm ngừa vắc-xin dại, chi phí lên tới 600 tỷ đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca tử vong cao do bệnh dại là: Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca.

Thông tin trên báo Công Thương, theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu do người bị chó, mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo còn thấp.

Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.

Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại như: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của virus dại.

Qua thống kê, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại do người bệnh không đi tiêm phòng sau khi bị động vật cắn, cào. Người dân nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đi tiêm phòng. Đây là cách nghĩ không đúng, vì tiêm ngừa bệnh dại đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ...

Vì vậy, ngay sau khi bị chó, mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70 độ. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật là: Sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Dại là bệnh gây tử vong 100%, tuy nhiên có thể đề phòng. Phòng ngừa bệnh dại là cách duy nhất để giảm thiểu tỉ lệ tử vong do mắc bệnh dại. Việc tiêm vacine dại trước và sau khi tiếp xúc với virus dại giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại virus dại. Để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng, số lần tiêm theo quy định để đạt được đáp ứng miễn dịch hoàn chỉnh.

Sau tiếng nổ lớn một học sinh bị thương nặng

Em N.B.H.D phải nhập viện trong tình trạng bị thương nặng do tự chế pháo nổ.

Em N.B.H.D phải nhập viện trong tình trạng bị thương nặng do tự chế pháo nổ.

Theo TTXVN ngày 26/1, ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) xác nhận, trên địa bàn thị trấn vừa xảy ra một vụ tai nạn do tự chế pháo khiến một học sinh bị thương nặng.

Theo đó, vào khoảng 16h20, ngày 25/1, tại một phòng trọ thuộc tổ dân phố 8, thị trấn Đắk Mil, em N.B.H.D (16 tuổi, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Đắk Mil), hộ khẩu thường trú tại xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil đã bị trọng thương do các loại thuốc chế tạo pháo bất ngờ phát nổ.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, sau khi tiếp nhận thông tin từ phía người dân về một vụ tai nạn do pháo nổ, Trung tâm Y tế huyện đã bố trí lực lượng đến hiện trường xử lý và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nạn nhân D. nhập viện trong tình trạng bỏng toàn thân, tổn thương mắt, gãy xương… Em D. cũng có nguy cơ cụt tay trái và các ngón tay phải. Sau khi nhập viện cấp cứu và xử lý ban đầu, em D. được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil, hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn cũng như xác minh nguồn gốc các loại thuốc pháo mà em D. sử dụng.

Trước đó, ngày 18/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông tiếp nhận, cấp cứu một bệnh nhân bị trọng thương, dập nát bàn tay do tự chế pháo nổ tại nhà. Nạn nhân là T. V. V (22 tuổi, trú xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-271-tang-chi-tieu-giam-phuong-an-xet-tuyen-hoc-ba-a647466.html