Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ sắp công bố quyết định đầu tiên trong hai quyết định về thuế năng lượng mặt trời đối với 4 nước Đông Nam Á

Tuần này, Bộ Thương mại Mỹ có thể áp thuế mới đối với các tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á mà các nhà sản xuất Mỹ đã phàn nàn là sử dụng các khoản trợ cấp 'không công bằng' khiến các sản phẩm của Mỹ không có sức cạnh tranh.

Mỹ sắp công bố quyết định đầu tiên trong hai quyết định về thuế năng lượng mặt trời đối với 4 nước Đông Nam Á

Dự kiến hôm thứ Ba (1/10, giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ sẽ thông báo quyết định đầu tiên trong số hai quyết định sơ bộ về thuế chống trợ cấp mà Bộ này sẽ đưa ra trong năm nay, trong một vụ kiện thương mại do Hanwha Qcells (Hàn Quốc), dẫn đầu Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ First Solar có trụ sở tại Arizona và một số công ty nhỏ hơn đệ trình nhằm bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời ở Mỹ.

Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ sẽ là lần đầu tiên Mỹ xem xét tác động của các khoản trợ cấp xuyên biên giới, như việc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho một nhà sản xuất tại Việt Nam hoặc nơi khác. Các khoản thuế như vậy trước đây đã bị cấm nhưng năm nay Bộ Thương mại Mỹ đã hoàn thiện một quy tắc cho phép áp dụng chúng.

Các nhà sản xuất trong nước Mỹ lập luận rằng sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ của các công ty Trung Quốc hoạt động tại Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đe dọa mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy sản xuất trong nước các công nghệ năng lượng sạch cần thiết để chống biến đổi khí hậu. Trong một trả lời phỏng vấn tháng trước, Tim Brightbill, luật sư của nhóm, nói rằng: “Họ hy vọng rằng những vụ kiện này sẽ giúp cân bằng sân chơi” .

Trong bản kiến nghị vào tháng Tư, Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ do Hanwha dẫn đầu đã cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc hoạt động tại bốn quốc gia Đông Nam Á đã nhận được các khoản trợ cấp "hào phóng" từ các chính phủ dưới hình thức tài trợ giá rẻ, điện và đất đai, miễn thuế, v.v. Nhóm này cũng cáo buộc các công ty nhận được các khoản trợ cấp từ Trung Quốc như nguyên liệu thô và linh kiện giá rẻ cũng như các hỗ trợ khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một vụ kiện chống bán phá giá đi cùng dự kiến sẽ nhận được quyết định sơ bộ vào tháng 11/2024. Thuế chống trợ cấp có xu hướng thấp hơn thuế chống bán phá giá, một hình thức thuế quan nhằm ngăn các nhà sản xuất nước ngoài bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Mỹ đã áp một loạt thuế đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ đều muốn Bộ Thương mại áp dụng thêm thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời. Các công ty thành lập nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời đều dựa vào các tế bào quang điện giá rẻ từ Đông Nam Á để lắp ráp thành các tấm pin tại Mỹ. Nhiều nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ thuộc sở hữu của các nhà sản xuất lớn có trụ sở tại Trung Quốc.

Các nhà phát triển dự án năng lượng mặt trời cũng lo ngại rằng thuế quan sẽ gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ bằng cách đẩy giá tấm pin mặt trời lên cao, vốn đã đắt hơn ở Mỹ so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Jim Murphy, Chủ tịch công ty Invenergy, một công ty phát triển dự án có trụ sở tại Chicago, đồng thời là chủ sở hữu chung công ty Longi của Trung Quốc tại công ty sản xuất tấm pin mặt trời Illuminate USA ở bang Ohio, cho biết: “Việc áp thuế đối với việc nhập khẩu pin mặt trời, khi hiện tại không có hoạt động sản xuất pin mặt trời nào tại Mỹ, sẽ chỉ làm tăng lợi nhuận của các nhà sản xuất đương nhiệm và sẽ kìm hãm khả năng đưa chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời vào Mỹ và việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn cung cấp điện sạch, giá cả phải chăng và đáng tin cậy”.

Công ty Tây Ban Nha Zelestra mở công viên năng lượng mặt trời trị giá 200 triệu USD tại Colombia

Hôm thứ Sáu (27/9), Công ty năng lượng tái tạo Tây Ban Nha Zelestra đã khai trương trang trại năng lượng mặt trời đầu tiên tại Colombia. Công viên này có giá trị 200 triệu USD và sẽ tạo ra 144 Megawatt điện. Đây là một phần trong chiến dịch mở rộng của công ty sang Mỹ Latinh. Công viên năng lượng mặt trời này nằm gần Monteria, thủ phủ của tỉnh Cordoba, Colombia.

Chính phủ Colombia đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhiên liệu hóa thạch và than đá, đồng thời chuyển sang năng lượng tái tạo.

Trong một thông cáo báo chí, Giám đốc Điều hành Jose Luis Garcia cho biết: "Đây là một dấu mốc quan trọng đối với Zelestra. Chúng tôi có một kế hoạch rất tham vọng cho khu vực này. Trong nhiều năm, chúng tôi đã có mặt ở Chile và Peru, nhưng chúng tôi đã bỏ lỡ Colombia, nơi chúng tôi hy vọng sẽ phát triển trong những năm tới".

Zelestra sẽ sớm mở một trang trại năng lượng mặt trời thứ hai tại tỉnh Cesar, dự kiến sẽ sản xuất 108 Megawatt điện.

Acolgen, một nhóm công nghiệp, cho biết hơn hai phần ba năng lượng của Colombia đến từ các đập năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.

Zelestra đặt mục tiêu phát triển danh mục đầu tư 1,5 GW (gigawatt) tại Colombia, 1GW tại Peru và 3GW tại Chile để trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn tại Mỹ Latinh.

Mỹ hoãn đấu giá điện gió ngoài khơi bang Oregon sau khi Thống đốc bang phản đối

Hôm thứ Sáu (27/9), chính quyền Tổng thống Biden đã hủy bỏ một cuộc đấu giá theo kế hoạch về quyền phát triển điện gió ngoài khơi bờ biển bang Oregon sau khi Thống đốc bang này Tina Kotek cho biết bà không ủng hộ cuộc bán đấu giá.

Đây là một bước lùi trong chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc triển khai các tuabin dọc theo bờ biển Hoa Kỳ như một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đây là lần thứ hai trong năm nay, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Hoa Kỳ (BOEM) hoãn một cuộc bán đấu giá về năng lượng điện gió ngoài khơi khi ngành công nghiệp mới này đang phải vật lộn với chi phí cao và những thách thức về chuỗi cung ứng. Cơ quan này đã hủy một cuộc đấu giá ở Vịnh Mexico vào tháng 7/2024.

BOEM, một bộ phận của Bộ Nội vụ Mỹ, trong một thông cáo báo chí đã nêu lý do là sự thiếu quan tâm từ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đối với đợt đấu giá tại bang Oregon, được lên lịch vào ngày 15/10. BOEM cho biết mặc dù có 5 công ty đã đủ điều kiện tham gia đợt đấu giá nhưng chỉ có một công ty bày tỏ sự quan tâm đến việc đấu thầu.

Trước đó, Thống đốc Oregon Tina Kotek đã gửi thư cho Giám đốc BOEM Elizabeth Klein yêu cầu dừng việc cho thuê điện gió ngoài khơi ngoài khơi bờ biển Oregon. Thống đốc bang đã trích dẫn những lo ngại từ các nhóm lao động, đánh bắt cá, bảo tồn và năng lượng tái tạo và cho biết bang này cần thêm thời gian để hoàn thành quy trình "lộ trình" điện gió ngoài khơi theo yêu cầu của luật của bang mới được thông qua vào đầu năm nay. Trong thư, Thống đốc bang Tina Kotek bày tỏ vẫn tin tưởng rằng điện gió ngoài khơi hứa hẹn sẽ trở thành một phần trong tương lai năng lượng sạch của quốc gia, nhưng ở bang Oregon, các hành động có ý nghĩa phải được thực hiện theo cách của bang Oregon.

Sự phản đối điện gió ngoài khơi đã trở nên tinh vi hơn ở Mỹ và nhiều nơi khác, với một số nhóm hoạt động tích cực ở bang Oregon.

Trong tuyên bố của mình, BOEM cho biết: "BOEM sẽ tiếp tục hợp tác với các đại diện từ các cơ quan liên bang, bang và địa phương, để phối hợp triển khai các hợp đồng cho thuê tiềm năng và hỗ trợ các quy trình thu hút các bên liên quan có các cân nhắc rộng hơn về điện gió ngoài khơi, trong đó có việc phát triển lộ trình chiến lược cho điện gió ngoài khơi do chính quyền bang chủ trì"./.

Thanh Bình

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-my-sap-cong-bo-quyet-dinh-dau-tien-trong-hai-quyet-dinh-ve-thue-nang-luong-mat-troi-doi-voi-4-nuoc-dong-nam-a-718390.html