Bạn trẻ Sài Gòn nô nức check-in trong ngày đầu khai mạc Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024
Chiều tối ngày 24/1, Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM tổ chức khai mạc Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn lần thứ 17 năm 2024. Lễ hội diễn ra từ ngày 24/1 đến ngày 14/2/2024 (từ ngày 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).
Ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM cho biết, trải qua gần 17 năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt, một hoạt động thường niên của Nhà Văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng trăm nghìn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.
Tiếp nối hành trình đẹp đó, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm lan tỏa các giá trị và tinh thần văn hóa truyền thống.
Năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra trong lễ hội với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố tôi yêu”. Tiêu biểu là không gian văn hóa “Phố Ông đồ” được đầu tư công phu và bài bản về cả hình thức và nội dung hoạt động, với sự tham gia của hơn 50 "ông đồ" trẻ.
Những nghệ nhân thư pháp sẽ bày mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa dọc theo mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai (Q. 1).
Bạn trẻ, du khách đến đây có thể “xin chữ” đầu năm, trải nghiệm viết chữ thư pháp tại chỗ để gửi gắm những ước nguyện ngày Xuân của mình vào những câu chữ tốt lành, những lời chúc hạnh phúc cho một năm mới bình an, thịnh vượng.
Không gian nghệ thuật sắp đặt sắc màu ngày Tết được dựng bên ngoài khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên với những gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch trong một bố cục đẹp mắt, hài hòa cùng các gian hàng "Phố Ông đồ".
Đặc biệt, với ý tưởng kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan, khuôn viên chính bên trong Nhà Văn hóa tái hiện lại những hình ảnh Tết xưa của dân tộc với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi...
Các mô hình đều do các kiến trúc sư trẻ đang cộng tác với Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM thực hiện, được thiết kế cách điệu dựa trên sự kết hợp giữa phong cách xưa và hiện đại.
Bạn trẻ, du khách đến với Lễ hội còn được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc và mới lạ, hòa nhịp với định hướng phát triển văn hóa của TP. HCM như: Chương trình nghệ thuật hát bội “Xuân yêu thương - Xuân vạn phúc”; chương trình Đờn ca tài tử Nam Bộ, kết hợp giao lưu biểu diễn các Thầy Đờn; chương trình cải lương “Tiếng tre xanh"; chương trình dân ca “Thành phố tôi yêu”; chương trình biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, do Nhóm hát Bài Chòi “À Ơi Phố” của Thành Đoàn TP. Hội An thể hiện; chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của sinh viên trường ĐH FPT TP. HCM; chương trình biểu diễn ca múa nhạc, biểu diễn thời trang, biểu diễn Lân Sư Rồng...
Các chương trình này đan xen với hoạt động mua sắm, ẩm thực diễn ra liên tục từ chiều 24/1 đến ngày 7/2, sẽ mang lại không khí nhộn nhịp, vui vẻ cho người dân trong những ngày cuối năm náo nức.
Tại không gian Lễ hội Tết Việt năm nay, nhiều hoạt động lớn của các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Thành phố được diễn ra như: Chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” cho sinh viên về quê đón Tết; chương trình “Họp mặt sinh viên đón Tết xa nhà”; chương trình “Chuyến xe sum vầy” cho công nhân về quê dịp Tết; chương trình “Nghĩa tình mùa Xuân"...