Băng đảng Ecuador tương tàn

Cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy đang ngày càng lớn mạnh ở Ecuador đã dẫn đến khủng hoảng bạo lực ngoài đường phố cũng như trong nhà tù, đe dọa sự yên bình của nước này.

Thi thể không đầu bị vứt bỏ trên đường phố. Thi thể treo lủng lẳng trên một cây cầu. Bên trong nhà tù, hàng chục vũ khí được tìm thấy cùng với không ít người chết - một số người trong tình trạng bị chặt đầu - trong các vụ bạo loạn được cho là có liên quan đến tội phạm ma túy ở bên ngoài, theo AFP.

Một cuộc chiến chống ma túy ngày càng khốc liệt với những cảnh bạo lực kinh hoàng đã gây chấn động đất nước Ecuador yên bình một thời. Cuộc khủng hoảng bạo lực đã khiến Tổng thống Ecuador phải ban bố tình trạng khẩn cấp, thay thế nội các và nhiều quan chức.

Chuyện gì đã xảy ra ở Ecuador?

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Patricio Carrillo cho biết đất nước đang trải qua một "cuộc khủng hoảng an ninh" liên quan đến tội phạm, đã cướp đi sinh mạng của gần 1.200 người trong năm nay.

Năm 2021, Ecuador ghi nhận tỷ lệ 14 vụ giết người trên mỗi 100.000 dân - gần gấp đôi so với con số năm 2020, dù vẫn chưa phải là cao nhất thế giới.

Bị ảnh hưởng nặng nề là Guayaquil, thành phố 2,8 triệu dân, nơi có cảng thương mại chính của Ecuador.

 Binh lính kiểm tra người dân ở Cerro Las Cabras, Guayas, Ecuador, vào ngày 29/4, trong khi đất nước bắt đầu được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AFP.

Binh lính kiểm tra người dân ở Cerro Las Cabras, Guayas, Ecuador, vào ngày 29/4, trong khi đất nước bắt đầu được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AFP.

Đáng chú ý, ngày 20/2, người dân Guayaquil sốc khi thi thể của một người đàn ông 21 tuổi bị ném khỏi chiếc xe đang di chuyển trên đường phố, tiếp theo là phần đầu cắt rời của anh.

Trước đó 6 ngày, tại thị trấn Duran gần đó, người ta tìm thấy thi thể của 2 người đàn ông bị còng tay và treo cổ trên một cây cầu dành cho người đi bộ.

Kể từ cuối năm ngoái, ít nhất 5 thi thể bị chặt đầu đã được tìm thấy ở Duran và Guayaquil, các nhà chức trách cho biết. Hồi tháng 2, người ta đã tìm thấy một cái đầu nhét trong ba lô tại cảng Puerto Bolivar ở phía nam.

Cũng đã có những cuộc đấu súng trong khu vực lân cận, một hiện tượng trước đây gần như chưa từng xảy ra tại đây.

Daniel Ponton, Hiệu trưởng Trường An ninh và Quốc phòng thuộc Đại học IAEN của Ecuador nói với AFP rằng các tội ác man rợ như vậy chỉ mới xuất hiện ở Ecuador. Ông đổ lỗi cho tội phạm địa phương "mô phỏng" các hành vi tàn bạo của những tay trùm ma túy ở Mexico hoặc Colombia.

Ông nói thêm các băng nhóm địa phương sớm nhận ra "bạo lực tự bản thân nó có giá trị" như công cụ “đe dọa các băng nhóm tội phạm đối thủ”, cũng như “làm giảm ý chí của nhà nước và người dân nói chung" trong việc chống lại tội phạm.

Theo Renato Rivera, nhà nghiên cứu tại Mạng lưới Phân tích An ninh và Tội phạm có tổ chức của Mỹ Latinh, những thi thể bị phân mảnh là lời cảnh báo về “bạo lực tàn khốc".

Các nạn nhân thường bị giết để trừng phạt vì sai sót trong hoạt động giao ma túy (có thể là sau khi cảnh sát bắt giữ), đồng thời là "thông điệp đe dọa đối thủ".

 Ôtô phát nổ trước một nhà tù ở Guayaquil, Ecuador, được cho là có liên quan đến tội phạm ma túy, ngày 25/4. Ảnh: AFP.

Ôtô phát nổ trước một nhà tù ở Guayaquil, Ecuador, được cho là có liên quan đến tội phạm ma túy, ngày 25/4. Ảnh: AFP.

Ecuador cũng bị đe dọa bởi bạo lực chết người thường xuyên bên trong hệ thống nhà tù suốt nhiều năm.

Khoảng 350 tù nhân đã bị giết trong 5 cuộc bạo động ở nhà tù riêng biệt kể từ tháng 2 năm 2021, với 232 người trong số đó là tại Guayaquil.

Vụ bạo loạn mới nhất diễn ra hôm 25/4 đã khiến 15 người thiệt mạng tại nhà tù nhỏ El Inca ở phía bắc Quito, ông Enrique Bautista, Phó cảnh sát trưởng thủ đô, nói với Teleamazonas.

Bautista cho biết lính canh đã tịch thu 43 vũ khí sau khi khám xét các phòng giam.

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso khẳng định vấn đề bên trong nhà tù có liên quan đến loạt băng đảng ma túy đang tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường buôn lậu.

Vì sao Ecuador khủng hoảng bạo lực?

Chính phủ Lasso đã tuyên bố cuộc chiến chống buôn bán ma túy được cho là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ bạo lực trên đường phố và trong các nhà tù.

Bị chỉ trích vì không giải quyết vấn đề một cách đầy đủ, ông Lasso đã cấp thêm kinh phí cho các nhà tù và cho biết sẽ thuê thêm lính canh.

Ông cũng đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề này vào tháng 12. Điều kiện tồi tệ đã biến các nhà tù thành "kho chứa người và trung tâm tra tấn", ủy ban cho biết.

Nằm giữa Colombia và Peru - 2 quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới - Ecuador đã thu giữ số lượng kỷ lục 210 tấn ma túy vào năm 2021. Trong quý đầu tiên của năm 2022, lượng thu giữ vượt quá 75 tấn, theo chính phủ.

 Cảnh sát chống ma túy và chó đặc vụ kiểm tra hàng hóa tại cảng Guayaquil, Ecuador, ngày 12/4. Ảnh: AFP.

Cảnh sát chống ma túy và chó đặc vụ kiểm tra hàng hóa tại cảng Guayaquil, Ecuador, ngày 12/4. Ảnh: AFP.

Ecuador được xem là điểm trung chuyển và tàng trữ ma túy được những tội phạm buôn lậu nước ngoài ưa chuộng vì có đường biên giới không chặt chẽ, nền kinh tế USD hóa, và các cảng biển lớn ở Thái Bình Dương.

Các cảng - đặc biệt là ở Guayaquil - trở thành chiến trường đấu đá giữa các băng nhóm, thường dẫn đến án mạng.

“Buôn bán ma túy đang ngày càng hoành hành ở Ecuador”, Tổng thống Lasso nói hồi tháng 2.

Ông đổ lỗi cho các chính phủ trước đây vì đã buông lỏng các vụ buôn bán nhỏ lẻ, khiến chúng có cơ hội bám rễ và phát triển nhanh chóng thành băng đảng lớn hơn, kéo theo đó là cuộc chiến tranh chấp địa bàn.

Theo ông Ponton, bạo lực leo thang là "một loại bom hẹn giờ tích lũy và đang phát triển" đối với Ecuador.

"Vấn đề của Ecuador là năng lực phản ứng của nhà nước hoàn toàn bị suy yếu trong các lĩnh vực chính: Tình báo, điều tra tội phạm, kiểm soát vũ khí”. Ông cho rằng nguyên nhân một phần là do tham nhũng.

Theo một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nhận thức tham nhũng, Ecuador chỉ đạt 36 điểm vào năm 2021 trên thang điểm 100 - đại diện cho chính phủ trong sạch. Con số này thấp hơn điểm trung bình của châu Mỹ là 43.

“Tội phạm có tổ chức không thể tồn tại nếu không có tham nhũng”, theo ông Rivera.

Chính quyền đã làm gì?

Tổng thống Lasso ngày 29/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày tại 3 tỉnh, trong bối cảnh bạo lực và tội phạm buôn ma túy ở các khu vực này tăng cao.

"Thông qua sắc lệnh hành pháp, tôi đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Guayas, Manabi và Esmeraldas, có hiệu lực từ đêm nay (30/4)", ông Lasso nói trong video đăng tải trên mạng xã hội.

Khoảng 9.000 cảnh sát và quân đội sẽ tuần tra ở các tỉnh trên trong 60 ngày. Một số khu vực lân cận sẽ áp giờ giới nghiêm từ 23h đến 5h.

 Binh sĩ đứng gác bên ngoài nhà tù Guayas 1 ở Guayaquil, Ecuador, sau một cuộc bạo động, ngày 13/11/2021. Ảnh: AFP.

Binh sĩ đứng gác bên ngoài nhà tù Guayas 1 ở Guayaquil, Ecuador, sau một cuộc bạo động, ngày 13/11/2021. Ảnh: AFP.

Trước đó, ông Lasso hôm 28/4 đã yêu cầu nội các của mình từ chức sau hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu.

Ban thư ký truyền thông cho biết tổng thống dự định đổi mới đội ngũ của mình và bổ nhiệm mới, đặc biệt là trong các danh mục năng lượng và mỏ, nông nghiệp và nhân quyền.

Hôm 26/4, ông đã thay bộ trưởng Quốc phòng.

"Chính phủ quốc gia trong năm đầu tiên nắm quyền đang tiến hành đánh giá toàn bộ nội các của mình và thực hiện những thay đổi mà họ cho là phù hợp", ban thư ký văn phòng tổng thống thông báo trên Twitter.

Ông Lasso đã "yêu cầu các bộ trưởng từ chức” để "đảm bảo phúc lợi của mỗi người dân”, bài đăng viết.

Chính phủ của ông Lasso mới đây cũng đã điều quân đội tới Guayaquil để kiểm soát thành phố và "ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy từ phía bắc (tức từ Colombia) hoặc vũ khí từ phía nam (tức từ Peru)".

Tổng thống cũng thay thế chỉ huy cảnh sát không thể (hoặc không muốn) giải quyết làn sóng tội phạm đang gia tăng.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bang-dang-ecuador-tuong-tan-post1313350.html