Bánh đa làng Chòm

Trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng bánh đa làng Chòm (nay còn gọi là làng Đắc Châu), xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa vẫn luôn giữ cho mình những nét đặc trưng riêng.

Bánh đa làng Chòm

Ở làng Đắc Châu mọi không gian đều như được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà trước ngõ, phơi trên mái ngói, phơi trên nóc nhà tầng, rồi trên cả bờ đê…

Nằm ở bên bờ sông Chu, làng Đắc Châu từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm tuổi. Chẳng ai còn nhớ nghề làm bánh đa của làng có từ bao giờ, nhưng nghề đã gắn chặt với cái tên của làng.

Bánh đa ở đây nguyên liệu được làm hoàn toàn tự nhiên là: gạo, vừng. Bởi theo những người làm bánh lâu năm ở làng thì chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu. Đây là nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt của bánh đa làng Chòm.

Để có một chiếc bánh đa ngon, người dân làng Đắc Châu phải sử dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Q5) để tráng bánh. Công đoạn tráng bánh khá quan trọng, bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải, rồi rắc lớp vừng đều trên mặt bánh.

Kỹ thuật rắc vừng đòi hỏi sự chuyên nghiệp để vừng rắc được đều tay và đầy đặn trên khuôn bánh. Một điều đặc biệt của bánh đa làng Chòm chính là lớp vừng rất dày. Bánh đa nhiều vừng ăn vừa ngon, vừa bùi.

Bánh đa thường được tráng bằng 2 lớp bột trước khi rắc vừng lên trên bề mặt bánh. Điều này giúp bánh đa có độ dày nhưng vẫn đảm bảo độ giòn, xốp.

Hàng ngày, những người dân làm nghề phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị các khâu làm bánh và họ thường kết thúc công việc vào khoảng 13h chiều.

Bánh đa sau khi tráng xong sẽ được đưa ra phơi, nếu trời nắng to khoảng 5-6 tiếng là bánh khô, nhưng nếu trời râm mát phải 2 – 3 ngày. Bánh không được phơi quá khô, sẽ cong giòn, dễ gãy.

Chị Phùng Thị Thu, thôn Đắc Châu 1 chia sẻ: “Tùy thuộc vào độ nhanh nhẹn và kỹ năng của từng người mà số lượng bánh làm ra nhiều hay ít. Trung bình một ngày người làm nghề thành thạo trong làng có thể làm ra được khoảng 1.000 chiếc bánh.”

Một chiếc bánh đa quạt thành công phải có màu vàng ruộm và nở phồng đều nhau.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, nghề làm bánh đa đã trở thành nghề chính của người dân làng Chòm. Và trong mỗi người con nơi đây, họ vẫn luôn ý thức gìn giữ nghề truyền thống mà ông cha đã bao công gây dựng.

Từ món quà quê dân dã, bánh đa làng Chòm đã trở thành đặc sản truyền thống được nhiều người biết đến.

Hoài Thu – Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/banh-da-lang-chom/19086.htm