Bánh dân gian - nét đẹp văn hóa ẩm thực Nam bộ

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông ngòi, kênh rạch, phù sa màu mỡ gắn bó với nền văn minh lúa nước. Ở đây có nhiều món ăn dân dã, trong đó có các loại bánh dân gian được chế biến từ gạo, khoai, bắp, đậu…

Những phụ nữ thôn quê đổ bánh khọt cho con cháu ăn.

Những phụ nữ thôn quê đổ bánh khọt cho con cháu ăn.

Chỉ từ vài nguyên liệu dễ tìm cùng với sự khéo léo của phụ nữ Việt Nam đã có hàng chục, hàng trăm loại bánh khác nhau như bánh lá, bánh bò, bánh xèo, bánh khọt, bánh đúc, bánh lọt, bánh da lợn, bánh bông lan, bánh kẹp, bánh cà bắp, bánh ống, bánh cống…

Dù là bánh mặn hay ngọt đều có hương vị, màu sắc hấp dẫn và mỗi loại bánh đều gắn bó mật thiết với con người và vùng sông nước Cửu Long, làm phong phú và điểm tô cho nét văn hóa phương Nam thêm phần đặc sắc.

Các loại bánh dân gian từ bao đời nay gắn với tập quán sinh hoạt trong nhiều gia đình Nam bộ; trong những buổi sum họp gia đình, trong ký ức tuổi thơ của bao đứa trẻ và trong cuộc sống mưu sinh của nhiều người. Cùng với sự cộng cư trong đời sống xã hội, các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có sự ảnh hưởng lẫn nhau về tập quán, văn hóa, trong đó có sự giao thoa về các món bánh dân gian.

Người Kinh đa số đổ các loại bánh bò trắng hoặc thêm màu sắc bắt mắt, dùng khuôn nhỏ có nhiều hình dạng để đổ. Cũng là bánh bò nhưng người Khmer biến tấu thành món mang hương vị đặc trưng của dân tộc mình đó là bánh bò thốt nốt, món ăn này là đặc sản ở Kiên Lương, Hà Tiên.

Nói đến bánh dân gian thì không thể không nhắc đến bánh xèo. Dù là bánh ngọt hay mặn, hầu hết các loại bánh dân gian đều có điểm chung là ngoài phần quan trọng là bột còn có thành phần không thể thiếu là vị béo của nước cốt dừa bởi khẩu vị của người dân Nam bộ là bánh không chỉ ngon nhờ nêm nếm đậm đà còn phải có đủ độ béo mới làm nên món bánh tuyệt hảo.

Nếu người Kinh có món bánh xèo dễ kết hợp các loại rau thì người Khmer cũng có bánh cống thơm ngon, giòn béo. Bánh cống ăn kèm nước mắm chua ngọt và rau rừng. Mỗi dịp con cháu quây quần đông đủ, gia đình bà Thị Trang, ngụ ấp Xẻo Lùng A, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thường làm món bánh cống. Tuy vất vả chuẩn bị nhiều nguyên liệu từ thịt, tép, bột, đậu… mới tạo nên chiếc bánh cống nhưng không khí gia đình bà Trang vui vẻ, rộn ràng.

Bà Trang chia sẻ: “Khi con cháu về nhà đông đủ, tôi thường đổ bánh xèo, bánh cống, bánh ống, con cháu thích món nào tôi làm món đó. Món cốm dẹp nhà tôi làm ăn dịp Ok Om Bok”.

Những món bánh dân gian không chỉ gắn bó mật thiết trong đời sống thường ngày mà còn có mặt trong những dịp lễ, tết, đám tiệc ở Nam bộ. Các món bánh dân gian nhìn đơn giản nhưng để làm được bánh ngon, đẹp mắt cần sự khéo léo, tỉ mỉ và tâm huyết của người làm bánh.

Tết năm nào bà Trương Thị Tiếng, ngụ ấp Minh Trung, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cũng làm bánh, con cháu về đông đủ phụ giúp làm cho không khí gia đình bà náo nhiệt hơn. Bà Tiếng cho biết: “Làm bánh là truyền thống của gia đình tôi từ xưa đến nay, ông bà truyền lại rồi tôi truyền cho con cháu để con cháu biết hương vị quê nhà, phong tục truyền thống ngày tết của dân tộc”.

Ông Bùi Công Ba - nhà nghiên cứu văn hóa, cử nhân văn hóa chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng chia sẻ: “Nước ta có nền văn minh lúa nước nên các món ăn từ lúa, gạo và gắn với đời sống cư dân Nam bộ bao đời nay. Thông qua những món ăn này thể hiện nét đặc trưng của mỗi vùng, miền, sự sáng tạo tuyệt vời của người dân Nam bộ, đồng thời chứa đựng ý nghĩa, câu chuyện về quá trình khai hoang, lập ấp, quá trình thích nghi và tận dụng nguyên liệu trong tự nhiên để chế biến những món ăn thơm ngon".

"Đặc biệt không gian văn hóa là sự nhộn nhịp, vui vẻ, quây quần giữa các thành viên trong gia đình khi cùng nhau làm bánh, đó là nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam”, ông Bùi Công Ba kết.

Bài và ảnh: HỒNG MỤI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/banh-dan-gian-net-dep-van-hoa-am-thuc-nam-bo-13209.html