Bánh tôm hồ Tây - món ăn chứa đầy ký ức của người Hà Nội
Bánh tôm từ lâu được coi là một món ăn 'định danh' ngoài Hà Nội chẳng đâu có, chẳng đâu ngon bằng. Nhưng đó là một món 'Hà Nội hẹp', tức là trong khi tất cả những món đặc sản khác hân hoan ghép tên với Hà Nội thì bánh tôm lại lặng lẽ ghép mình với một địa điểm cụ thể thành cụm từ 'Bánh tôm hồ Tây'.
1. Có thể, việc ghép tên này do thói quen, bởi một trong những hàng bánh tôm đầu tiên là cửa hàng mậu dịch nằm hướng mặt ra hồ Tây, dựa lưng vào hồ Trúc Bạch. Hoặc cũng có thể bánh tôm được làm từ loại tôm ngon nổi tiếng được đánh bắt từ chính hồ này. Tất nhiên, bây giờ thì chẳng còn thấy ai bán tôm được đánh bắt từ hồ Tây nữa. Có thể loài tôm ấy đã được liệt vào dạng của hiếm, hoặc cũng có thể nó vẫn còn nhưng chỉ được bán trong phạm vi cực hẹp, có thể chỉ dành cho những nhà hàng đặc sản.
Cuối năm 2018, hãng CNN làm một phóng sự giới thiệu điểm đến. Phóng sự này chọn bánh tôm làm chủ đề chính và theo thông tin mà CNN cung cấp cho người xem thì bánh tôm bắt đầu được phổ biến ở Hà Nội từ những năm 1930 - thời điểm có nhiều người gánh hàng rong tụ tập dọc theo đường Thanh Niên, một con đường ngăn cách hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Nhà hàng bánh tôm hồ Tây hoạt động từ năm 1956 và giờ vẫn tấp nập thực khách, đa số là khách du lịch, hoặc là khách phương xa nghe tiếng tăm mà tìm đến. “Thổ dân” ở Hà Nội, nếu muốn ăn bánh tôm ngon, đương nhiên không vào nhà hàng, họ sẽ tìm đến các địa chỉ trên phố, rẻ hơn và chất lượng cũng một chín, một mười.
2. Nguyên liệu để làm bánh tôm xem ra khá đơn giản. Bột mì, chút bột nở, tôm đồng, trứng. Bột được pha với trứng và nước. Ủ bột trong một thời gian ngắn để bột nở. Có nơi dùng khuôn để định hình bánh và tôm, có nơi đổ theo cảm tính và thói quen, tuy nhiên bánh cũng khá đều đặn. Tôm được đặt lên trên bánh cho màu sắc và hình ảnh bắt mắt đồng thời được rán trong chảo sâu lòng và ngập dầu. Bánh tôm sau khi rán xong có mùi thơm đặc trưng, vàng, đẹp, và giòn rụm.
Đối với nhiều người Hà Nội hoặc là có những gắn bó với Hà Nội thì bánh tôm không chỉ đơn thuần là một món ăn, đôi khi nó còn là kỷ niệm, nhất là khi nơi bán bánh lại tọa lạc trên một con đường lãng mạn nhất Hà Nội.
Thế hệ sinh khoảng những năm 90 của thế kỷ trước không có nhiều ký ức về bánh tôm bởi khi đó kinh tế phát triển, quà vặt quá nhiều, nhưng những thế hệ 5x, 6x, 7x trước đó có khi bánh tôm còn là kỷ niệm về những mối tình đã qua. Bởi những năm tháng thời bao cấp, bạn bè rủ nhau đạp xe lên hồ Tây ăn bánh tôm. Thế rồi mấy chục năm sau gặp lại, vẫn phải rủ nhau đi ăn để cho đỡ nhớ mùi vị ký ức.
Bánh này buộc phải ăn kèm với rau xà lách, cùng các loại rau thơm như rau mùi, húng láng, mùi tàu… Bánh đã ngon, nước chấm cũng phải được pha ngon, nếu không thì coi như hỏng cả. Không thể thiếu một chút ớt tươi hoặc là tương ớt cay cay, dưa góp làm từ đu đủ, cà rốt ngâm giấm giúp món ăn ngon hơn và chống ngán.
Đối với nhiều người Hà Nội hoặc là có những gắn bó với Hà Nội thì bánh tôm không chỉ đơn thuần là một món ăn, đôi khi nó còn là kỷ niệm. Nhất là khi nơi bán bánh lại tọa lạc trên một con đường lãng mạn nhất Hà Nội.
Thế hệ sinh ra khoảng những năm 90 của thế kỷ trước không có nhiều ký ức về bánh tôm bởi khi đó kinh tế phát triển, quà vặt quá nhiều, nhưng những thế hệ 5x, 6x, 7x trước đó có khi bánh tôm còn là kỷ niệm về những mối tình đã qua. Bởi những năm tháng thời bao cấp, bạn bè rủ nhau đạp xe lên hồ Tây ăn bánh tôm. Thế rồi mấy chục năm sau gặp lại, vẫn phải rủ nhau đi ăn để cho đỡ nhớ mùi vị ký ức.
3. Không chỉ có hồ Tây, ở trên đường vào Phủ Tây Hồ còn có cả một “tập đoàn bánh tôm”, những nhà hàng bún ốc - bánh tôm san sát nhau hình thành nên một dãy phố. Du khách vào vãn cảnh phủ, đi ra bị những mâm bánh tôm bày đẹp đẽ hấp dẫn, thế là tặc lưỡi rẽ vào. Quán nào cũng đông như hội, tất nhiên chất lượng của đám đông thì cũng chỉ ở mức tương đối mà thôi.
Cũng không hiểu thế nào mà thành, bánh tôm có một phiên bản khác nữa là có khoai lang thái sợi. Khoai lang thái sợi trộn với bột mì, trứng và tôm thực ra cũng rất hợp lý. Có người lý giải, những năm tháng bao cấp, khi bột mì khan hiếm, người ta đã nảy ra sáng kiến là dùng khoai lang thái sợi để độn. Chẳng biết có đúng không.
Bánh tôm hồ Tây ngon nhất là khi được ăn nóng, tức là vừa vớt ra khỏi chảo dầu sôi sùng sục. Bánh giòn tan, thịt tôm ngọt, nước chấm đủ vị chua cay mặn ngọt, dăm ngọn húng Láng, mấy nhánh mùi… là đủ hấp dẫn thực khách ăn một lại muốn ăn hai.
Ngoài 2 địa chỉ bán bánh nổi tiếng kể trên, dân sành ăn ở Hà Nội còn biết đến một hàng bánh tôm khác đầu ngõ chợ Đồng Xuân. Khác biệt hẳn với phong cách nhà hàng view đẹp, vừa ăn vừa ngắm đầm sen hay mênh mông sóng nước hồ Tây, bánh tôm ngõ chợ Đồng Xuân khá chật hẹp, đôi khi phải đứng ngoài vỉa hè chờ đến lượt mới có chỗ ngồi. Ngon nhất và độc đáo nhất ở hàng này là phần bột bánh. Bột mềm mịn, pha cùng nước cho sánh đặc vừa phải, trộn thêm khoai lang thái sợi. Bên trên là 1, 2 con tôm nhỏ, để nguyên vỏ, nhưng rất tươi ngon, ăn vào ngọt mà săn chắc thịt. Bánh cứ rán đến đâu là hết đến đấy. Không chỉ là món quà ăn vặt ngon khó cưỡng mà còn bởi chính sự giản dị của ẩm thực phố cổ khiến nhiều người phải mê mẩn.
Trên phố Hàng Bồ cũng có một hàng bánh tôm ngon. Vỏ bột bánh độc đáo, giòn và nhang nhác vị bùi của đậu xanh. Nhân tôm bé nhưng tươi, thịt ngọt, vừa miệng. Cùng với bánh tôm, ở đây còn có há cảo khá nổi tiếng. Tất nhiên, khi nằm trên phố cổ thì không gian quán đương nhiên khiêm tốn. Mấy chiếc bàn nhỏ lúc nào cũng chật khách. Lựa chọn lý tưởng nhất là chờ mua rồi mang đi.