Báo cáo của Liên Hợp Quốc: Thế giới đang chệch hướng trong các mục tiêu bền vững
Thế giới đang đi chệch hướng trong hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đã thông qua vào năm 2015, trong đó, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hướng đến tương lai thịnh vượng đang gặp nhiều thách thức do thiếu hụt nguồn tài chính, căng thẳng địa chính trị và tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 17.6, cho biết.
Báo cáo thường niên về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc được tiến hành để đánh giá hiệu quả hoạt động của 193 quốc gia thành viên trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên phạm vi rộng, bao gồm xóa đói giảm nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cung cấp năng lượng sạch và bảo vệ đa dạng sinh học…
Trong báo cáo mới nhất công bố hôm 17.6, cơ quan này đã đưa ra một bức tranh ảm đạm khi khẳng định không có mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu có thể đạt được vào năm 2030; và hầu hết các mục tiêu đều cho thấy "tiến độ đang ngày càng chậm lại, thậm chí thụt lùi”. Báo cáo kêu gọi các nước giải quyết tình trạng thiếu hụt kinh phí thường xuyên trong thực hiện các mục tiêu này cũng cải tổ hệ thống của Liên Hợp Quốc.
Ông Guillaume Lafortune, Phó Chủ tịch Mạng lưới giải pháp Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDSN) đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Các số liệu trong báo cáo này cho thấy ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tiến độ để đạt được các mục tiêu đã quá chậm. Sau khi đại dịch xảy ra và thế giới đứng trước một loạt các cuộc khủng hoảng khác, bao gồm các cuộc xung đột quân sự, thì các mục tiêu hoàn toàn bị trì trệ”.
Báo cáo cảnh báo về những lĩnh vực đạt được rất ít tiến bộ là: giải quyết nạn đói, xây dựng các thành phố bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học trên đất và nước. Các mục tiêu chính trị cũng đang chứng kiến sự thụt lùi.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một số điểm sáng theo đó các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đang dẫn đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trung Quốc cũng đạt được tiến bộ nhanh hơn mức trung bình. Tuy nhiên, các quốc gia nghèo nhất thế giới đang tụt lại phía sau rất xa.
Ông Lafortune cho rằng, các nước đang phát triển cần được tạo điều kiện để tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính quốc tế; trong khi các tổ chức như cơ quan xếp hạng tín dụng nên xem xét đến phúc lợi kinh tế và môi trường lâu dài của một quốc gia, thay vì chỉ tính thanh khoản ngắn hạn.