Báo chí điều tra và hành trình kiến tạo
Thể loại báo chí phản biện, điều tra được những người làm báo đầu tư công phu hơn, có những tuyến bài mất cả năm trời đeo đuổi.
Các tác phẩm ngày càng có xu hướng kiến tạo rõ nét, thay vì chỉ phản ánh sự thật một cách đơn thuần.
Không chỉ dừng lại ở sự thật
Đoạt Giải A Báo chí Quốc gia năm 2021 ở thể loại phóng sự điều tra, loạt bài 5 kỳ “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” đăng tải trên Báo Dân Việt chỉ là những bài báo nổi bật nhất trong số hơn 50 tin, bài đeo bám quyết liệt của tuyến bài này.
Để có được loạt bài đó, nhóm tác giả mất hàng trăm ngày nhập vai, hóa trang, đi vào ngõ ngách các hang ổ buôn bán ngà voi, sừng tê giác, tê tê, gấu; đặc biệt là nạn nuôi hổ trái phép trong ngục tối giữa nhà để bán cho người ta nấu cao. Không dừng ở đó, nhóm tác giả còn trực tiếp có các chuyến trải nghiệm, thu thập thông tin, tư liệu từ châu Phi, sang Tam Giác Vàng, dọc Việt Nam và nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan...
Từ thông tin ban đầu trên những loạt bài điều tra này, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ. Nhiều đối tượng liên quan đến đường dây buôn bán động vật quý hiếm đã bị xét xử, nhiều đối tượng đang bị khởi tố, điều tra.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một trong những tác giả của loạt bài chia sẻ, không chỉ thâm nhập điều tra, các phóng viên còn trực tiếp cầm USB chứa tài liệu gồm ảnh, video, ghi âm rồi gặp gỡ các cán bộ công an để tố cáo các sai phạm trên quy mô lớn, đề nghị cơ quan chức năng phối hợp xử lý dứt điểm.
Trước đó, loạt bài phóng sự điều tra “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” giúp nhóm phóng viên Báo Lao động đoạt Giải A giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ II năm 2018 - 2019.
Loạt bài khiến dư luận dậy sóng về câu chuyện chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức tuyên truyền “vong báo oán”, trục vong, gọi hồn… mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xử lý nghiêm những người liên quan.
Là người nhiều năm trong Hội đồng chấm Giải Báo chí quốc gia và cũng từng nhiều lần đoạt giải báo chí quốc gia, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, điều tra là thể loại chủ lực của báo chí.
Trong khuôn khổ của các giải báo chí lớn, thể loại này có ở hầu hết các loại hình báo chí, từ báo hình, phát thanh, truyền hình cho đến báo điện tử.
“Như Giải Báo chí quốc gia hàng năm, không chỉ tôi mà tất cả thành viên Hội đồng chấm giải đều đánh giá rất cao các tác phẩm báo chí thuộc thể loại điều tra đã đạt giải, đặt biệt là Giải A. Đây thực sự là những tác phẩm xuất sắc, gây ấn tượng mạnh với dư luận xã hội. Nhiều tác phẩm trở thành nguồn tư liệu quý cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đó xử lý nghiêm minh hiện tượng tiêu cực, cái xấu trong xã hội”, ông Lợi nói.
Ông Lợi nhận xét, qua các năm, thể loại phóng sự điều tra ngày càng được những người làm báo đầu tư công sức nhiều hơn, có chất lượng cao hơn cả về nội dung và hình thức.
Các tác phẩm báo chí điều tra ngày càng có xu hướng kiến tạo rõ nét. Đó không chỉ là phản ánh sự thật, đi đến cùng sự thật, mà còn đeo bám, cùng cơ quan chức năng đưa ra giải pháp giải quyết, xử lý sự việc triệt để.
Cũng là người từng nhiều năm trong Hội đồng chấm Giải Báo chí quốc gia và đoạt Giải Báo chí quốc gia, nhà báo Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) nhìn nhận: “Tầm vóc, quy mô của tác phẩm được nâng lên, đa phần tác phẩm đoạt giải đều được thể hiện thành loạt bài dài kỳ, thể hiện rõ sự đeo bám, đồng hành cùng cơ quan chức năng giải quyết sự việc. Đề tài điều tra đã trải rộng trên tất cả lĩnh vực, mọi điểm nóng của xã hội”.
Những đòi hỏi với nhà báo điều tra
Dẫn câu chuyện loạt bài viết phản ánh về nạn phá rừng ở Hoàng Liên Sơn, Hà Giang của báo Dân Việt, Lao động, sau đó cơ quan kiểm lâm, cơ quan công an đều vào cuộc, nhiều cán bộ quản lý rừng đã bị xử lý; hay vụ án Trịnh Xuân Thanh bắt đầu từ việc báo chí phản ánh ông này đi chiếc xe công không đúng quy định… nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, rất nhiều tác phẩm báo chí điều tra đã, đang đóng góp rất tích cực vào việc chống tiêu cực.
“Nhiều bài báo điều tra được bạn đọc đón nhận, háo hức chờ từng kỳ tiếp theo. Từ thông tin ở nhiều bài báo điều tra, cơ quan chức năng đã vào cuộc, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, thậm chí Thủ tướng đã có chỉ đạo xử lý. Giá trị nhất của các bài báo điều tra là hiệu ứng xã hội đó, để cái tốt, cái đẹp chiến thắng cái ác, cái xấu”, ông Lợi nói.
Nhà báo Trần Bá Dung cho biết, không chỉ phản ánh những tồn tại, các loạt bài điều tra, nhất là những tác phẩm đoạt giải đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại này.
“Tất nhiên, nhà báo không thông thái đến mức mọi lĩnh vực đều biết và có thể đưa ra giải pháp được. Mà phải thông qua chuyên gia, nhà nghiên cứu từ đó đưa ra những giải pháp giúp cơ quan quản lý, đối tượng được phản ánh khắc phục điểm tồn tại, hạn chế”, ông Dung cho hay.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, riêng đối với thể loại điều tra, thông thường nội dung sẽ đi vào những góc tối, hiện tượng tiêu cực ở trong xã hội. Chính vì thế, đòi hỏi tinh thần dấn thân, cống hiến rất cao của người làm báo.
“Nếu không có tinh thần dấn thân, người làm báo khó có thể tạo ra tác phẩm báo chí điều tra tốt. Đọc và chấm nhiều tác phẩm, tôi cảm nhận sự hiểm nguy rình rập đối với phóng viên, nhà báo”, ông Lợi nói.
Nhà báo Trần Bá Dung lưu ý, với tác phẩm báo chí điều tra, dấn thân là chưa đủ, mà cần có sự chuyên nghiệp và cả đạo đức của người làm báo: “Khi nhà báo dùng ngòi bút để chống lại cái ác, cái xấu, càng phải thể hiện tinh thần công tâm, khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Báo chí điều tra là “vũ khí hạng nặng”, nên đừng trao vũ khí này cho những người làm báo có tâm không sáng”, ông Dung nói.
Không phải vấn đề nào cũng đưa ra để phản biện
Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ, để có những tác phẩm điều tra, phản biện xã hội tốt và chất lượng, những người làm báo phải có tâm và đủ tầm. Vì sự phản biện cần phải xuất phát từ cơ sở khoa học, chứ không phải điều gì cũng đưa ra để phản biện. Nếu chưa kín kẽ, chính xác, nhiều khi vấn đề đưa ra sẽ khiến lợi bất cập hại, có thể cản trở việc thực thi chính sách, pháp luật một cách không đáng có.
Theo ông Lợi, nhà báo phải hiểu biết, nhanh nhạy để nhận ra đâu là cái đúng, cái sai của sự việc, hiện tượng, đủ sự thông thái, tỉnh táo để nhận diện vấn đề nào cần phản biện, vấn đề nào không.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-chi-dieu-tra-va-hanh-trinh-kien-tao-d594701.html