Báo chí đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Chiều 29.3, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo'Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa' và lễ trao giải thưởng báo chí 'Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường' do Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của gần 90 khách mời đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà nghiên cứu, mạng lưới hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các các cơ quan báo chí, truyền thông...

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam do IUCN, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Sáng kiến Life Cycle xuất bản hợp tác cùng EA, Quantis, trong năm 2018 Việt Nam có 453kt rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương, tương đương với lượng rác rò rỉ là 4.7 kg/người/năm.

Với một lệnh tìm kiếm trên mạng về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa, chúng ta có thể có được kết quả đến 1,3 triệu tin/bài/phóng sự trong vòng 0,43 giây. Con số này cho thấy lượng thông tin truyền thông về ô nhiễm rác thải nhựa là lớn và dễ tiếp cận, nhưng vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt, cho biết: “Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, nhà nước đã được ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Và báo chí cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy các sáng kiến/giải pháp, chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng cũng như hỗ trợ thực thi chính sách ở các cấp độ khác nhau liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa.

Hội thảo này bên cạnh việc tổng kết những kết quả đạt được của dự án, chúng tôi cũng mong muốn những ý kiến đóng góp và các giải pháp hiệu quả trong truyền thông về rác thải nhựa của các khách mời sẽ mở ra nhiều chủ đề khai thác cho các phóng viên. Từ đó, việc truyền thông về môi trường được thực hiện hiệu quả hơn, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và hình thành thói quen về lối sống phát triển bền vững”.

Bà Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển, cho biết truyền thông Việt Nam đã có một tác động đáng kể trong việc truyền tải thông tin về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã đưa tin về chất thải nhựa rộng rãi trong những năm gần đây như nêu bật tác động có hại của chất thải nhựa đối với môi trường, đặc biệt là đến đời sống và hệ sinh thái biển; Về những thách thức trong việc giảm thiểu chất thải nhựa như: thiếu hạ tầng và nhận thức của người tiêu dùng, cũng như sự chống đối từ một số ngành công nghiệp để thay đổi thói quen của họ…; Thông tin và nâng cao nhận thức về vấn đề giúp đẩy mạnh hành động để giảm thiểu chất thải nhựa ở đất nước.

Tuy nhiên, bà Thùy cho rằng phản ánh của phương tiện truyền thông về chất thải nhựa thường tập trung vào tác động tiêu cực và thách thức, mà chưa nhấn đủ mạnh các sáng kiến và giải pháp tích cực được thực hiện: "Phần lớn báo chí tập trung vào tác động môi trường của chất thải nhựa, mà không khai thác các tác động xã hội và kinh tế của chúng và không có nhiều bài báo điều tra sâu rộng về nguyên nhân gốc rễ của chất thải nhựa, chẳng hạn như hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, và vai trò của chính sách và quy định của chính phủ”.

Triển lãm hình ảnh liên quan đến vấn đề rác thải nhựa bên lề sự kiện.

Triển lãm hình ảnh liên quan đến vấn đề rác thải nhựa bên lề sự kiện.

Để nâng cao vai trò của báo chí trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, bà Thùy cho rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục và tạo động lực, giúp tăng cường nhận thức và hiểu biết của người dân về tác động của rác thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người. "Thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân bằng cách giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng sản phẩm tái sử dụng, và tăng cường nhận thức về việc phân loại rác thải và tái chế.

Ngoài ra, truyền thông cần đẩy mạnh việc áp dụng chính sách về giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường thông tin và tạo động lực cho các chính trị gia và cơ quan chức năng để đưa ra các quyết định và hành động hiệu quả”, bà Thùy chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức cũng đã tổng kết và trao giải thưởng cho các phóng viên nữ trong dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.

Trong vòng một năm (từ tháng 4.2022 đến tháng 3.2023) dự án đã thực hiện được các hoạt động đa dạng thúc đẩy vai trò của báo chí, truyền thông về chủ đề này và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ mạng lưới phóng viên nữ cũng như các bên liên quan và cộng đồng.

Các phóng viên trong dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” nhận giải thưởng.

Các phóng viên trong dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” nhận giải thưởng.

Tại sự kiện, 11 giải thưởng đã được trao cho các nữ phóng viên và nhóm phóng viên trong khuôn khổ giải thưởng “Nữ phóng viên tiên phong vì môi trường” - một trong 10 hoạt động của dự án. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất vượt qua 57 tác phẩm dự thi thuộc 4 hạng mục là báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình từ các nữ nhà báo/phóng viên trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, giải thưởng là sự ghi nhận những thành tựu, đóng góp của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong sự nghiệp bảo vệ môi trường; đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của các nữ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc phổ biến và khuyến khích cộng đồng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bao-chi-dong-vai-tro-quan-trong-trong-giam-thieu-o-nhiem-rac-thai-nhua-38909.html