Báo chí nắm giữ nhiều tài nguyên thông tin quan trọng, có thể là mục tiêu tấn công mạng

Cùng với sự phát triển của không gian mạng, mối đe dọa an toàn thông tin đối với các cơ quan báo chí ngày càng phức tạp hơn...

Hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng và là mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công mạng. Ảnh minh họa

Hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng và là mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công mạng. Ảnh minh họa

Sáng 23/10, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) và tổ chức World Vision Việt Nam đã tổ chức hội thảo - tập huấn với chủ đề "Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông" nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ báo chí về an toàn thông tin trên môi trường mạng.

MỐI ĐE DỌA AN TOÀN THÔNG TIN VỚI CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ NGÀY CÀNG PHỨC TẠP

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nhận định chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia, trong đó báo chí và truyền thông không là ngoại lệ.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nhằm xây dựng báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; đảm bảo vai trò định hướng dư luận, giữ vững chủ quyền thông tin trên mạng và thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số.

Chủ tịch VNISA cho biết hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam hoạt động trên môi trường mạng và là mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công mạng, bao gồm cả hệ thống thông tin và người dùng như lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên.

“Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng”, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội và định hướng nhận thức công chúng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của không gian mạng, mối đe dọa an toàn thông tin đối với các cơ quan báo chí ngày càng phức tạp hơn.

Các cơ quan báo chí, phóng viên và biên tập viên phải thực hiện hai trách nhiệm chính. Thứ nhất là tự bảo vệ hệ thống và thông tin của cơ quan khỏi tấn công mạng, và thứ hai là truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho toàn xã hội, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.

HỆ THỐNG CƠ QUAN BÁO CHÍ BỊ TẤN CÔNG SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TOÀN XÃ HỘI

Lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho biết, trong 10-20 năm gần đây, phóng viên báo chí là mục tiêu chính của các cuộc tấn công mạng do chính phủ hoặc tổ chức khủng bố tài trợ, nhắm vào chính trị gia và người nổi tiếng.

Các cuộc tấn công bằng mã độc và nghe lén thông tin thường nhằm vào phóng viên, vì họ nắm giữ những thông tin quan trọng và là người trung gian truyền tải thông tin đến xã hội. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của phóng viên trong bảo đảm an toàn thông tin cho toàn xã hội.

Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh rằng khi hệ thống thông tin của cơ quan báo chí bị tấn công, hậu quả sẽ lan rộng đến toàn xã hội. “Do đó, cần tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của cơ quan báo chí vì khi hệ thống cơ quan báo chí bị tấn công sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội”, ông Trần Quang Hưng nói.

Không chỉ bảo vệ hệ thống cơ quan mà các tổ chức báo chí còn cần bảo vệ cho từng phóng viên, biên tập viên, vì họ không chỉ truyền thông qua báo chí mà còn qua mạng xã hội, “việc đảm bảo an toàn thông tin cho các phóng viên, biên tập viên rất cần thiết”.

Hội thảo "Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông"

Hội thảo "Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông"

Ông Trần Quang Hưng kêu gọi VNISA phối hợp với Cục an toàn thông tin để triển khai nhiều chương trình tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho phóng viên, giúp họ tác nghiệp an toàn và hiệu quả. Việc này không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin.

Không gian mạng hiện là “ngôi nhà chung của khoảng 78 triệu người Việt Nam” và đóng vai trò quan trọng trong tương lai thịnh vượng của quốc gia với Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng chính là cách bảo vệ sự thịnh vượng đó, tạo nền tảng cho sự phát triển của kinh tế và xã hội số.

Ông so sánh không gian mạng với môi trường thực, cho rằng không gian mạng cũng cần "bầu trời quang đãng" và "không khí trong lành" với hệ sinh thái và hạ tầng chất lượng để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Một không gian mạng ô nhiễm, đầy tin giả tin độc hại, tấn công mạng, lừa đảo và bạo lực sẽ không thể là nơi lý tưởng cho sự phát triển nói chung. Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin nhấn mạnh rằng trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại hơn 8.000 tỷ USD do các cuộc tấn công mạng, tương đương 21 tỷ USD mỗi ngày.

Hoàng Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-chi-nam-giu-nhieu-tai-nguyen-thong-tin-quan-trong-co-the-la-muc-tieu-tan-cong-mang.htm