'Báo chí phải thay đổi cách tạo ra giá trị, phải tái định nghĩa lại báo chí'
Đó là khuyến nghị của ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội Truyền thông số Việt Nam, trong cuộc trao đổi với VietTimes nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Viện trưởng DTSI nhắc lại một thực tế mà tất cả đều đã và đang thấy: Chúng ta đang nhìn thấy mạng xã hội và báo chí cạnh tranh với nhau. Mạng xã hội đang đặt ra một sức ép lớn cho báo chí. Mạng xã hội cho phép các cá nhân tạo ra tin tức, truyền tải tin tức một cách trực tuyến, nhanh chóng với các hình thức khác nhau, điều vốn trước đây là độc quyền của báo chí.
Tuy vậy, từ giác độ một nhà nghiên cứu, ông Lê Nguyễn Trường Giang nhận định: Báo chí có vị thế riêng của mình, đó là sự xác tín.
Vị Viện trưởng DTSI không chỉ nhìn báo chí và mạng xã hội như những đối thủ cạnh tranh.
"Tôi nghĩ với môi trường truyền thông hội tụ như bây giờ thì mạng xã hội và báo chí cần phải trở thành những đối tác của nhau. Mạng xã hội có thể cung cấp tin tức nhanh chóng nhưng độ xác tín lại không bằng báo chí. Báo chí có độ xác tín nhưng việc cung cấp thông tin nhanh chóng đến độc giả thì mạng xã hội lại có điều đó," ông nói và dự báo: "Trong tương lai, tôi nghĩ báo chí và mạng xã hội sẽ đồng hành, trở thành một multi-platform (đa nền tảng), cho phép hội tụ và hỗ trợ nhau phát triển tốt hơn."
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội Truyền thông số Việt Nam.
- PV VietTimes: Nhưng rõ ràng mạng xã hội đã lấy đi rất nhiều doanh thu quảng cáo và cả công chúng của báo chí chính thống nữa. Vậy thì theo ông, báo chí cần phải làm gì để thích ứng, thay đổi và phát triển?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Báo chí phải thay đổi cách tạo ra giá trị, phải tái định nghĩa lại báo chí. Báo chí phải trở thành đa nền tảng, đa kênh hội tụ thông qua việc trở thành một trung tâm dữ liệu, tạo ra giá trị gia tăng từ dữ liệu. Báo chí phải lấy dữ liệu làm nền tảng, vốn hóa dữ liệu đó để trở thành một kênh cung cấp dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định cho việc xây dựng những giá trị mới thì báo chí mới có thể tìm ra sức sống cho mình.
Ngoài những việc liên quan đến doanh thu như bán báo, thu phí độc giả thì giờ đây báo chí phải kết hợp với độc giả, với các bên liên quan để cùng nhau tạo ra giá trị.
Video ông Lê Nguyễn Trường Giang trả lời phỏng vấn VietTimes
- Như ông đã nói ở trên thì báo chí cần phải tạo ra giá trị gia tăng từ dữ liệu. Theo tôi hiểu thì báo chí phải thu thập dữ liệu độc giả, từ đó cung cấp những nội dung hướng độc giả?
Thực ra xã hội càng phát triển, dưới sức ép của tiến trình chuyển đổi số thì mọi tiến trình ra quyết định của cá nhân hay tổ chức đều phải dựa trên dữ liệu. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những dữ liệu hỗ trợ cho tiến trình ra quyết định. Ví dụ như khi tôi muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư ở một địa phương nào đó thì báo chí có thể là một kênh cung cấp dữ liệu về thực trạng của địa phương đó để hỗ trợ tôi ra quyết định một cách hợp lý.
Bài báo viết về địa phương đó không đơn thuần là bài viết mà là cả một quá trình liên tục thu thập thông tin, phân tích, hệ thống hóa và làm cho nó trở thành một dữ liệu có giá trị, có tính xác tín, có tính kiểm định được để giúp cho nhà đầu tư ra quyết định hoạt động tại địa phương đó.
- Các tờ báo lớn với tập bạn đọc lớn, lượng dữ liệu lớn sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi cạnh tranh với mạng xã hội. Với những tờ báo nhỏ, làm thế nào để có thể tăng sức cạnh tranh?
Nếu như những tờ báo lớn có đa dạng lĩnh vực mà bạn đọc quan tâm thì những tờ báo nhỏ nên đi theo hướng phân luồng. Càng có nhiều thông tin thì người đọc càng bị quá tải trong việc tiếp cận thông tin. Họ có xu hướng tìm đến những đơn vị cung cấp thông tin đã được phân luồng nhỏ hơn nhưng chuyên sâu và có chất lượng cao.
Theo tôi, để cạnh tranh tốt thì các tờ báo nhỏ nên tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch báo chí của Việt Nam khi các tờ báo được gắn với một lĩnh vực, một ngành hoặc một đơn vị chủ quản nào đó.
Nếu một tờ báo trở thành kênh cung cấp thông tin chuyên sâu về lĩnh vực đó, thông tin có hệ thống, được chuẩn hóa và có chất lượng cao thì sẽ có sức cạnh tranh lớn. Người đọc khi muốn tìm cụ thể về lĩnh vực gì sẽ nhớ ngay đến tờ báo đó.
- Là một chuyên gia về chuyển đổi số, ông có thể đưa ra dự báo về mô hình báo chí trong tương lai?
Báo chí tương lai sẽ hướng tới một mô hình thông minh – smart press – trong đó dữ liệu trở thành nền tảng quan trọng nhất của báo chí.
Điều đặc biệt là chúng ta phải chuyển đổi tư duy làm báo từ analog thinking (tư duy tương tự) sang digital thinking (tư duy số), tức là phải làm cho các nội dung tin tức và các hoạt động báo chí trở thành các thành phần có thể đóng gói được, có thể phân phối lại, có thể tạo thành các sản phẩm báo chí mới mà không nhất thiết phải chuẩn bị lại nội dung.
Mô hình báo chí tương lai sẽ khai thác giá trị chiều sâu của các tin tức theo hướng đẩy mạnh giá trị dữ liệu và vốn hóa dữ liệu.