Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc

Ngày 24/10/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn thường niên 'Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024', nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí, xây dựng môi trường kinh doanh và môi trường truyền thông thúc đẩy doanh nghiệp, báo chí cùng phát triển, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Diễn đàn được tổ chức dưới sự phối hợp giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia kinh tế, luật sư, giảng viên và các phóng viên, nhà báo…

Đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân cũng như mối quan hệ ý nghĩa, quan trọng với cả hai phía. Do đó, diễn đàn được mở ra để các đại biểu cùng thảo luận về việc tăng cường hợp tác, đồng hành giữa đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đội ngũ báo chí, những người làm báo vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch VCCI rất mong các chuyên gia, các nhà báo, các doanh nhân tham dự Diễn đàn hôm nay trao đổi ý kiến cởi mở, thắng thắn, cùng nhau đưa ra các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp để quan hệ đồng hành báo chí và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, vì mục tiêu thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh phụng sự được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Toàn cảnh Diễn dàn.

Toàn cảnh Diễn dàn.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó nâng cao nhận thức, tình yêu và sự tin dùng với hàng Việt Nam, góp phần hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp nước nhà. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng của Nhà nước có thêm kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn. Ngược lại, báo chí cũng trở thành tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế, như: Nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch; tình trạng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan…

Đánh giá Diễn đàn năm nay, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết lựa chọn chủ đề thiết thực vào trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội tác động không nhỏ đến việc truyền thông thông tin kinh tế, đặc biệt là dẫn đến những thay đổi trong thị hiếu, phương thức tiếp cận thông tin của công chúng.

 Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, trong đó nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Với 2 phiên thảo luận tại Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 3 vấn đề chủ yếu: Báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư? Làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp? Làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí? Làm thế nào để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và báo chí? Công tác đào tạo nghiệp vụ thông tin kinh tế cho phóng viên, nhà báo trong nền kinh tế số hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Báo chí luôn là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.

Báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, trong cơ chế, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, doanh thu quảng cáo giảm sút, người dân đọc báo miễn phí, điện tử… không tương xứng với kỳ vọng của xã hội về những đóng góp của báo chí.

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI.

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI.

Những năm qua, ghi nhận nhiều trường hợp đau xót, làm cho mối quan hệ, niềm tin của doanh nghiệp với báo chí bị giảm sút. Giao dịch giữa doanh nghiệp với báo chí mang tính riêng lẻ. Một bộ phận cơ quan báo chí hoạt động mang tính bới móc; nhiều khi câu chuyện điều tra bị tương tác khác, không phục vụ quyền được biết của công luận mà đi tìm lợi ích khác mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí vẫn có nguy cơ lệch hướng.

Tại diễn đàn, thông qua trao đổi, thảo luận nhìn thấy được giải pháp đặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc, lành mạnh hơn; cùng hỗ trợ nhau đưa ra những sản phẩm dịch vụ tốt đối với xã hội, trong đó sản phẩm báo chí chất lượng cao đòi hỏi phải đầu tư mà không phải cơ quan báo chí nào cũng đơn phương giải quyết được.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định rằng báo chí là một trong những cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng; cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với các cơ quan chức năng. Không chỉ thế, báo chí còn được xem như là người bạn, người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Bởi, trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn giữ vai trò quan trọng, song hành cùng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển chung như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Các ý kiến tại diễn đàn nhìn nhận đúng và trúng thực trạng mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh hiện nay; chỉ ra những vấn đề mà cả báo chí và doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu, thống nhất và triển khai để báo chí thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Doanh nghiệp thực hiện tốt hơn bổn phận của mình đối với xã hội, đối với đất nước; để thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí phải thực sự là những thông tin có chất lượng, thông tin góp phần hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp doanh nhân nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như chuẩn bị tốt nhất để có những nền tảng vững chắc bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả phản biện cơ chế chính sách, kiến giải, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đồng thời, tăng cường thông tin chuẩn xác, khách quan, xây dựng, cung cấp nguồn tin chất lượng để doanh nghiệp tham khảo, nghiên cứu và đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn.

Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin với báo chí, truyền thông qua nhiều kênh khác nhau và sẵn sàng hợp tác với báo chí ngay cả khi xảy ra sự cố.

Trong trường hợp cần thiết cần có phương án xây dựng đề cương thông tin, tuyên truyền gửi tới các cơ quan báo chí. Thông tin tích cực là thông tin được cung cấp chuẩn xác và kịp thời nhất.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, VCCI cần tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân và đội ngũ báo chí để góp phần bảo vệ, hỗ trợ, phát triển mối quan hệ trong sáng, tích cực, hài hòa, tôn trọng, trách nhiệm giữa báo chí - doanh nghiệp, tránh việc thông tin một chiều, thiếu khách quan, không chuẩn xác có thể tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tổn hại uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và doanh nhân, đến môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh của chính nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Các cơ quan báo chí cần đặt trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về doanh nghiệp, doanh nhân; khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo chí cần góp phần quan trọng để “khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia”; để “đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm” - như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của VCCI và Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Ngay sau Diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị VCCI căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, khẩn trương xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và kinh tế đất nước./.

DUY PHONG

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/bao-chi-va-doanh-nghiep-dong-hanh-vi-viet-nam-phon-vinh-hanh-phuc-157255