Bảo đảm an ninh an toàn các khâu trọng yếu của kỳ thi tốt nghiệp THPT

Sáng 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an đã thông tin về công tác phối hợp đảm bảo an ninh an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là việc ngăn ngừa, phòng chống gian lận thi bằng các thiết bị công nghệ cao.

Tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và "3 không" trong tổ chức thi

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi: 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.

Các thí sinh dự thi tại 2.323 Điểm thi, tăng 51 Điểm thi so với kỳ thi năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149. Có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh; trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 27 và 28/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.

Để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các lãnh đạo các vụ, cục đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại nhiều địa phương trên cả nước.

Các địa phương được kiểm tra đã sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với đầy đủ các thành phần theo quy định, huy động cả hệ thống chính trị, sở ban ngành của tỉnh vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và huy động các sở ban hành và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là việc tuyền truyền, phổ biến cho kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế...

GS.TS Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhấn mạnh, từ khóa quan trọng của kỳ thi năm nay là "tuyệt đối an toàn" từ khâu bảo quản in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi đến vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giao thông, an ninh trật tự, điện nước. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi vị trí, mỗi công đoạn đều cần phân công rõ trách nhiệm cụ thể. Trong đó, công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi hết sức quan trọng. Công tác coi thi, chỉ diễn ra trong hai ngày, số lượng thí sinh tham gia đông, là quãng thời gian có tính rủi ro cao nhất, nên cần đặc biệt lưu ý, từ tập huấn đến bố trí nhân lực, giám sát, tập trung cao độ; công tác chấm thi phải thực hiện đúng quy chế...

Đồng chí Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý cần quán triệt tinh thần "4 đúng" và "3 không" trong tổ chức kỳ thi. Trong đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Còn “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo các địa phương, các Điểm thi cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ, thông tin liên lạc vào phòng thi; không để bất kỳ thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hoặc cách trở giao thông mà không đến được điểm thi...

Chủ động nắm tình hình, phát hiện và ngăn ngừa các nguy cơ tiêu cực, gian lận thi

Chia sẻ tại hội nghị về công tác đảm bảo bảo an ninh an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 về bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi. Đến nay, 100% các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bảm sát chỉ đạo của Bộ Công an về bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các nguy cơ tiêu cực gian lận và vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi, trong đó chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi rao bán thiết bị công nghệ cao sử dụng để gian lận thi cử hoặc các đường dây tiêu cực, gian lận trên toàn quốc.

Công an các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức 63 đợt tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, xây dựng chiến dịch truyền thông về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thì để nâng cao nhận thức cho những người tham gia tổ chức kỳ thi và thì sinh nắm vững quy định bảo vệ nhà nước với đề thi; phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao như xây dựng clip ngắn với nội dung phù hợp cho từng đối tượng, đăng tải trên các nền tảng truyền thông và mạng xã hội.

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã cử cán bộ tham gia 4 Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, giữa hai ngành Công an và Giáo dục đã có sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, một số địa phương còn có vướng mắc, cách hiểu khác nhau về quy định bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi như chưa rõ về nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh để đảm bảo đúng 25m theo quy chế thi, nơi để xe của thí sinh hoặc nhà dân ở sát khu vực thi.

Để đảm bảo yêu cầu bố trí địa điểm bảo quản vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25 m, lực lượng Công an đã đề nghị các Hội đồng thi hướng dẫn cho thị sinh hạn chế tối đa việc mạng vật dụng không cần thiết vào điểm thi, nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh có thể bố trí một cách linh hoạt sao cho đồ dùng cá nhân của thí sinh cách phòng dự thi của mình tối thiểu là 25 m hoặc có thể xa hơn để nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Đối với nơi để xe của thí sinh và nhà dân ở sát điểm thi, các nhà trường có thể bố trí tạm thời khu vực để xe ở ngoài cổng trường, phối hợp với Công an xã, phường tuyên truyền cho các nhà dân xung quanh điểm thi nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho hành vi tiêu cực.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, để đảm bảo an ninh an toàn cho kỳ thi, Bộ Công an đề nghị Công an các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là mất cảnh giác, phân công lực lượng tham gia bảo đảm đúng người, đùng việc theo Hướng dẫn số 3101 do Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an và Cục Quản lý chất lượng ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngành giáo dục bảo đảm an ninh an toàn cho các khâu trọng yếu của kỳ thi, nhất là khâu in sao đề thi. Đặc biệt là tập trung nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các nguy cơ tiêu cực, gian lận, tình trạng gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, triệt xóa các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng đăng tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, nghiêm túc của kỳ thi. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan phải báo cáo ngay về Cục An ninh chính trị nội bộ để chỉ đạo chung.

Đối với các Hội đồng thi, đề nghị kịp thời trao đổi với ngành Công an các thông tin về kỳ thi để phục vụ xây dựng phương án, triển khai lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, tiếp tục phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là quy định về bảo vệ bí mật nhà nước với đề thi cho thí sinh và xử lý tốt các tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình tổ chức thi, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tại những khâu những điểm thì có nhiều thì sinh tự do hoặc có nghi vấn xây ra tiêu cực gian lận, tránh thanh kiểm tra một cách hình thức, dàn trải.

Huyền Thanh- Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/bao-dam-an-ninh-an-toan-cac-khau-trong-yeu-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-i734908/