Bảo đảm an ninh công việc với lao động nữ tại các khu công nghiệp

Cần có giải pháp đồng bộ bảo đảm an ninh công việc với đối tượng lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là an sinh xã hội.

Đây là nội dung Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của an sinh xã hội trong bảo đảm an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Friedrich Naumann Stiftung für die Freiheit Vietnam (Viện FNF Việt Nam, Đức) tổ chức tại Hà Nội sáng 30/9/2024.

Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu của Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện FNF Việt Nam về “Vai trò của an sinh xã hội trong bảo đảm an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu trường hợp thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang”, được nhóm nghiên cứu thực hiện trong tháng 8-9/2024.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo cho biết, người lao động, đặc biệt là đối tượng nữ làm việc tại các khu công nghiệp là một trong những đối tượng quan trọng nhất của các chính sách an sinh xã hội. Vai trò của an sinh xã hội hết sức quan trọng trong việc bảo đảm các phúc lợi xã hội, trợ giúp kịp thời cho người lao động trong các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của an sinh xã hội trong bảo đảm an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của an sinh xã hội trong bảo đảm an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Theo chuyên gia Trần Thị Thanh Tuyến, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, những năm gần đây, tốc độ công nghiệp hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh với sự ra đời của các khu công nghiệp mang đến những động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hiện nay, toàn vùng có khoảng 80 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích quy hoạch là 14.787 ha. Tuy nhiên, một con số đáng lo ngại là kết quả thống kê chỉ ra rằng tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất cả nước, ở mức 3,02%.

Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, trong các khu công nghiệp ở Việt Nam, với đặc thù của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này chủ yếu là các ngành như: Dệt may, da giầy, chế biến nông, thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử, đóng gói bao bì… Do đó, tỷ lệ lao động nữ thường chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ nam giới.

Lao động nữ tại các khu công nghiệp thường chủ yếu là lao động di cư từ khắp các vùng nông thôn với độ tuổi trẻ từ 20-30 tuổi. Do vậy, các nhu cầu về an sinh xã hội như nhà ở, về điều kiện sống, về y tế, đời sống văn hóa, tinh thần, về nhà trẻ cho lao động nữ có con nhỏ… của đối tượng này rất lớn.

Kết quả khảo sát cho thấy, một số lao động nữ mong muốn nâng cao chế độ bảo hiểm xã hội, cụ thể là chế độ thai sản (26,4% người trả lời bảng hỏi), tăng thời gian nghỉ thai sản (30,4% người trả lời bảng hỏi), nhưng không có yêu cầu tăng tiền trợ cấp thai sản (chỉ 4% người trả lời bảng hỏi có nhu cầu); các vấn đề khác liên quan đến bảo hiểm xã hội như tăng mức lương hưu, tăng lương hàng năm, rất ít lao động nữ có yêu cầu (dưới 1% người trả lời bảng hỏi).

Về vai trò của an sinh xã hội đáng chú ý nhất là 34,3% mong muốn mở thêm trường học (nhất là trường mầm non) gần công ty để các lao động nữ có con nhỏ không vất vả trong việc tìm chỗ gửi con, yên tâm làm việc; 16,7% mong muốn mở thêm nhiều cây rút tiền ATM; 11,1% mong muốn xây dựng và hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Về giải pháp bảo đảm an ninh công việc cho các lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Trưởng nhóm nghiên cứu, với đặc thù văn hóa, lối sống của người dân vùng Tây Nam Bộ không có đòi hỏi nhiều, dễ thỏa mãn với cuộc sống, việc bảo đảm thu nhập và các chính sách an sinh xã hội là các yếu tố rất quan trọng quyết định sự gắn bó của lao động với doanh nghiệp. Điều này đã được kiểm định qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu lao động nữ tại Cần Thơ và Kiên Giang.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần ưu tiên bảo đảm đầy đủ chính sách an sinh xã hội cho lao động, và thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp có cán bộ công đoàn chuyên trách thì sẽ góp phần bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với nguyện vọng của người lao động hơn”, ông Cường nói.

Các giải pháp khác được nhóm nghiên cứu đề xuất là chính quyền địa phương cần có cơ chế kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; xây dựng các trường mầm non, các trung tâm văn hóa thể thao, chợ tập trung gần khu công nghiệp để bảo đảm chất lượng và an toàn cuộc sống cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Ban quản lý khu công nghiệp cần phối hợp với lực lượng chức năng tính toán mật độ lao động, lựa chọn điểm đóng chốt an ninh khu công nghiệp để bảo đảm an toàn xã hội bên trong khu công nghiệp.

Việc ký kết các thỏa thuận cơ chế phối hợp giữa Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tạo nên cơ sở pháp lý để giúp cho phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, tránh làm phiền doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan đầu mối về chuyển đổi số, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan để bao quát đầy đủ các thông tin đầu vào cho hệ thống thông tin thị trường lao động, có cơ chế phân quyền truy cập, xử lý, quản lý thông tin để tăng quyền chủ động cho các doanh nghiệp.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-dam-an-ninh-cong-viec-voi-lao-dong-nu-tai-cac-khu-cong-nghiep-349245.html