Bảo đảm an toàn bờ bao, kênh rạch trong mùa mưa
Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa, người dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, kênh, rạch luôn phải sống thấp thỏm lo lắng. Chính quyền thành phố đang đẩy nhanh các giải pháp phòng chống, xử lý.
Điểm sạt lở nguy hiểm bên rạch Giồng Ông Tố (quận 2) chưa có mặt bằng để xử lý.
Nguy cơ hiện hữu
Khu vực dọc kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) thường xuyên xảy ra sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng hàng ngàn hộ dân. Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ tháng 8-2003 và là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn.
Đến năm 2006, UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành 4 đoạn chính. Tuy nhiên, tính đến tháng 6-2020, chỉ có dự án chống sạt lở đoạn 1 kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Các đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn vẫn thi công dang dở, gia tăng nguy cơ sạt lở.
Chị Nguyễn Thị Oanh, nhà sát bờ kênh (phường 28, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Người dân khu vực này vẫn phải sống thấp thỏm mỗi khi mùa mưa và triều cường tới”.
Còn tại khu vực rạch Giồng Ông Tố (xung quanh 2 bờ tiếp giáp với cầu Giồng Ông Tố) có 19 hộ dân phường Bình Trưng Tây và An Phú (quận 2), chịu ảnh hưởng sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. UBND thành phố đã phê duyệt dự án làm kè bảo vệ dài 77m mỗi bên mố cầu, nhưng chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, tại tổ 2 (Ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) có 28 hộ khác nằm trong vị trí sạt lở dài 146m. Chính quyền địa phương có kế hoạch xây kè bảo vệ với kinh phí hơn 21 tỷ đồng nhưng chưa thể triển khai cũng vì vướng mặt bằng.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở những vị trí sạt lở, cơ quan chức năng tạm rào chắn, cắm biển hạn chế người dân ra vào để bảo đảm an toàn.
Đơn vị thi công nạo vét, làm bờ kè rạch Tầm Vu (phường Thạnh Xuân, quận 12).
Sớm giải quyết dứt điểm
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, toàn thành phố ghi nhận 37 vị trí sạt lở tại 9 quận, huyện với tổng chiều dài khoảng 23km.
Mức độ sạt lở được chia thành 2 cấp gồm: Đặc biệt nguy hiểm (19 vị trí) và nguy hiểm (18 vị trí). Hiện 35/37 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè nhưng mới một dự án hoàn thành.
Nhà Bè là huyện có nhiều vị trí sạt lở nhất với 12 điểm, trong đó có 7 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Nguyên nhân do tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông; các dự án nạo vét sông làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng sạt lở bờ sông...
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án. Mặt khác, thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép, đặc biệt là trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và ven biển Cần Giờ.
Thực hiện chủ trương này, tại huyện Cần Giờ, UBND thành phố cũng vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương đầu tư 8 dự án kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ khu dân cư trên địa bàn bằng vốn ngân sách thành phố, giai đoạn 2020-2023. Tại quận Thủ Đức, UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chống sạt lở bờ tả sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước, với tổng chiều dài gần 500m.
Còn tại quận Bình Thạnh, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (chủ đầu tư chống sạt lở bán đảo Thanh Đa) cho biết, hiện đang phối hợp chặt chẽ với UBND quận Bình Thạnh, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, UBND phường 27, 28 tổ chức vận động các hộ dân và tổ chức nằm trong phạm vi dự án có nguy cơ sạt lở cao sớm bàn giao mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công dự án, bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân ở các điểm dễ xảy ra sạt lở.