Bảo đảm an toàn giao thông gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Sáng 6/1, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp UBND thành phố Hà Nội phát động ra quân Năm ATGT 2022 với chủ đề 'Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19' và cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân năm 2022.

Các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Năm An toàn giao thông 2022 ngày 6/1.

Các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Năm An toàn giao thông 2022 ngày 6/1.

Phát động ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% ở cả ba tiêu chí so năm 2021; khắc phục ùn tắc trên các trục giao thông chính, đầu mối trọng điểm và đô thị lớn; không để ùn tắc khi kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ đặc biệt quan tâm nhiệm vụ này, khi mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so hai năm trước do đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch và phục hồi phát triển kinh tế.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết bảo đảm trật tự ATGT năm 2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ngay sau lễ ra quân, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2021 vừa qua, cả nước xảy ra gần 11.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người, hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra trên đường bộ. So năm 2020, giảm 3.496 vụ (23,32%), giảm 1.068 người chết (15,55%), giảm 3.143 người bị thương (28,16%). Có 55 địa phương, số người chết do tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ năm 2020, trong đó An Giang và Sơn La giảm hơn 40%, nhưng vẫn còn bốn tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng so cùng kỳ, hai tỉnh có số người chết tăng hơn 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình. Một yếu tố được nhận định giúp tai nạn giao thông giảm sâu là từ giữa tháng 6 đến nay, do các địa phương giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 8, số người chết vì tai nạn giao thông giảm 53%, tháng 9 giảm 54%.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, cũng nảy sinh một số vấn đề như giao thông vắng, các lực lượng chức năng tập trung phòng, chống dịch, một số lái xe có xu hướng vượt ẩu, vi phạm tốc độ, đua xe trái phép hoặc không chấp hành hiệu lệnh, gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 124 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến quốc lộ; xảy ra 44 vụ chống người thi hành công vụ (tại các chốt kiểm soát dịch xảy ra bảy vụ), làm chín chiến sĩ bị thương, lực lượng cảnh sát giao thông đã trực tiếp, phối hợp bắt giữ 45 đối tượng. Các lực lượng cũng xử lý gần 540 vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, bắt giữ gần 3.700 đối tượng đánh võng, bốc đầu, có dấu hiệu đua xe trái phép, tạm giữ 3.110 phương tiện; khởi tố 11 vụ, 75 đối tượng,…

Tuy nhiên, Ủy ban ATGT quốc gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với mức độ giảm của lưu lượng giao thông thì mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng; vẫn còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Hiện tượng xe chở quá tải vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, gây bất bình trong nhân dân. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng,… Vì thế, Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan trực tiếp công tác trật tự ATGT để triển khai ngay từ đầu năm 2022 như Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600 nghìn đồng; sử dụng bằng lái ô-tô quá hạn bị phạt 12 triệu đồng. Ngoài ra, phạt nặng xe ô-tô nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc; tăng mức phạt với mọi trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng,…

Cơ cấu lại vận tải, giảm áp lực cho đường bộ

Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá: Nhìn chung, trong năm 2021, trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tốt, cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so cùng kỳ năm 2020. Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã có chỉ đạo kịp thời, phù hợp tình hình và cấp độ phòng, chống dịch. Lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác có sự phối hợp hiệu quả giữa tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT với kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn, hỗ trợ người dân buộc phải rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân,... “Nhà nước đã dành nguồn lực lớn cho ngành giao thông nâng cấp, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; vận hành, ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QR-Code, tổ chức “luồng xanh vận tải” tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa và kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Ngành y tế nỗ lực rất lớn trong phòng, chống dịch, đồng thời làm tốt công tác cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cần có giải pháp cơ cấu lại vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải để giảm áp lực cho đường bộ, qua đó giảm nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ vốn chiếm phần lớn số vụ trên cả nước. “Chúng ta có hệ thống đường sắt nhưng sử dụng để giảm tải cho đường bộ chưa hiệu quả. Chúng ta đang lãng phí sử dụng hệ thống đường sắt, nhất là tuyến chuyên chở hàng hóa. Các tuyến đường bộ xe container, xe vận chuyển hàng hóa còn nhiều. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng hệ thống đường bộ giảm chất lượng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án trọng điểm, nhất là tuyến cao tốc bắc-nam; xử lý các “điểm đen” tai nạn; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt,... Các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền nâng cao văn hóa giao thông, xây dựng giao thông an toàn, bởi theo thống kê gần 19% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm làn đường, phần đường, trong khi gần 10% số vụ do chuyển hướng không chú ý. Trong đó, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là tuyên truyền, phổ biến các quy định gắn với phòng, chống dịch trong điều kiện đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương cần tăng thời lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về giao thông một cách sinh động, ấn tượng, tạo dấu ấn trong nhân dân.

Năm 2022, dự báo dịch Covid-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế-xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải quay về với nhịp độ sôi động như trước khi xảy ra dịch và tiếp tục gia tăng. Ủy ban ATGT quốc gia sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự ATGT; lồng ghép vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành khác. Đồng thời, cơ cấu lại vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh, nhằm giảm tai nạn giao thông một cách bền vững.

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dam-an-toan-giao-thong-gan-voi-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-681649/