Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu vì quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung thu, các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Tập trung công tác thanh, kiểm tra
Sau mùa Trung thu trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh trung thu năm nay sôi động trở lại với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người mua có nhiều sự lựa chọn. Với đặc thù chỉ xuất hiện vài tháng trong năm, việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ nên việc bảo đảm ATTP luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Trong dịp Tết Trung thu, các hoạt động được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác thanh, kiểm tra. Đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phân công, phân cấp quản lý; đồng thời, phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định của Nhà nước về bảo đảm ATTP, vì sức khỏe của người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường bảo đảm ATTP, trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác, chất lượng không bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Vương cho biết: “Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, huyện triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu. UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành chức năng huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động tổ chức các hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu. Các cơ sở sản xuất phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định; bảo đảm điều kiện chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất; sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục hoặc vượt quá giới hạn cho phép;...”.
Truyền thông nâng cao nhận thức
Hiện các loại bánh trung thu được bày bán rất đa dạng về mẫu mã, nhãn hiệu cũng như giá cả. Cùng với các sản phẩm có thương hiệu, uy tín, trên thị trường cũng xuất hiện một số loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Vì vậy, bên cạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh trung thu, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng được chú trọng thực hiện.
Chị Trần Thị Mỹ Dung - chủ quầy bánh trung thu tại Công viên TP.Tân An, cho biết: “Đồng hành cùng người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu nhiều năm nay, chúng tôi hiểu bánh trung thu không đơn thuần chỉ dùng để ăn mà còn là món quà biếu, tặng chất chứa tình cảm của mỗi người. Do đó, cửa hàng luôn chọn nhập bánh từ những thương hiệu có uy tín, có chứng nhận về ATTP”.
Để bảo đảm ATTP, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng ATTP với cơ quan y tế. Bao bì sản phẩm phải còn nguyên vẹn, trên nhãn có đầy đủ các nội dung: Tên sản phẩm, tên cơ sở, địa chỉ nơi sản xuất, trọng lượng, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản thực phẩm. Người tiêu dùng không mua các loại bánh mà bao bì bị thủng, rách, sản phẩm biến dạng hay có những vết đốm trắng, xanh, vàng,... vì đây là những dấu hiệu cho biết bánh bị mốc, hỏng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bánh trung thu nên được bảo quản ở nơi khô mát, tránh nhiệt độ cao hay nóng ẩm và không để bao bì bị rách.
Do ảnh hưởng của yếu tố thị trường, một số loại bánh trung thu tăng giá so với trước đây. Người tiêu dùng cần cảnh giác, không “hạ tiêu chuẩn”, dễ dãi trong việc chọn mua các loại bánh với giá rẻ, bánh “đại hạ giá” vì nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm ở các loại bánh này là rất cao. Chị Trần Thị Tuyết Vân (phường 7, TP.Tân An) chia sẻ: “Cũng giống như nhiều gia đình khác, bánh trung thu là món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ của gia đình tôi vào mỗi dịp Tết Trung thu. Qua thông tin từ báo, đài, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Vì vậy, tôi cẩn trọng khi chọn mua bánh, chỉ mua các loại có thương hiệu, bày bán ở những nơi uy tín và nói không với các loại bánh giá rẻ được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội để bảo vệ sức khỏe của người thân, gia đình”.
Để có một mùa Trung thu vui tươi, an toàn, bên cạnh sự vào cuộc, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm ATTP. Mỗi người hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe của gia đình; đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức đến những người tiêu dùng khác nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm khi sử dụng, người tiêu dùng nên lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và mua tại những cửa hàng uy tín, có trang thiết bị che đậy cẩn thận. Đặc biệt, tuyệt đối không mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, bao bì không còn nguyên vẹn”.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến
Dịp Tết Trung thu, nhu cầu về các sản phẩm bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu rất cao. Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nhất là với những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, thủ công, handmade (bánh trung thu tự làm),... Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình. Trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Thị Điệp (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành)