Bảo đảm chặt chẽ, tránh thâu tóm, độc quyền

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật, nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này. Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, bảo đảm việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên tần số, tránh tình trạng thâu tóm, độc quyền.

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định):
Khai thác hiệu quả các lợi ích về kinh tế, thương mại

Sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện là cần thiết vì đây là tài sản quốc gia cần được Nhà nước tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác hiệu quả các lợi ích về kinh tế, thương mại; đồng thời bảo vệ tài nguyên tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên môi trường số, môi trường mạng, môi trường viễn thông.

Trong Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cũng xác định nhiệm vụ rất quan trọng là: rà soát, hoàn thiện pháp luật để phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin. Hoàn thiện các quy định để phát triển một số doanh nghiệp có tính dẫn dắt thị trường viễn thông. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ các định hướng này. Lĩnh vực viễn thông và tần số vô tuyến điện có liên quan với nhau. Phải làm sao hình thành được doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực để dẫn dắt hạ tầng công nghệ số. Muốn chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số thì dự thảo Luật nên có chính sách để phát triển những doanh nghiệp này.

Đối với quy định tại Khoản 4, Điều 11 dự thảo luật có nêu “các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện trong không gian, thời gian nhất định, bao gồm sử dụng trong các trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công trình mới”. Quy định này cần được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm tính tương thích, thống nhất với Luật Quy hoạch. Vì luật hiện hành không quy định các trường hợp sử dụng tần số vô tuyến điện mà không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện, cho nên cần đánh giá tác động của quy định này.

Dự thảo luật cũng quy định về đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng băng tần, nên xem xét lại bản chất của quy định này. Đây là một hình thức quản lý nhà nước hay là chế tài xử phạt vi phạm hành chính (?). Quy định này có thể xung đột với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu áp dụng hình thức này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng, chủ thể sử dụng băng tần.

ĐBQH Phạm Trường Sơn (Thừa Thiên Huế):
Nên quy định thời hạn cấp phép sử dụng băng tần cho mạng viễn thông mặt đất

Dự thảo Luật đã bổ sung 2 điều; sửa đổi, bổ sung 14 điều và bãi bỏ, thay thế một số cụm từ tại một số quy định của Luật hiện hành nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng (sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện), việc quy định vấn đề này trong quy hoạch băng tần là cần thiết, nhằm tránh tình trạng thâu tóm, độc quyền, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, nên chăng dùng khái niệm khác thay vì khái niệm “quy hoạch” trong quy định này, bởi bản chất của quy hoạch tần số vô tuyến điện chỉ là sự phân chia, phân bổ tần số vô tuyến điện để cung ứng cho các đối tượng có nhu sử dụng phù hợp, tương thích với trang thiết bị, hạ tầng dùng vào các mục đích cụ thể khác nhau. Bên cạnh đó, trong quy hoạch có đề cập tới quy định việc phân bổ các khối băng tần nhưng chưa thấy quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Quy định phân bổ các khối băng tần phải theo nguyên tắc nào, ai có quyền thực hiện phân bổ cần thể hiện trong dự thảo Luật.

Về cấp phép sử dụng băng tần cho mạng viễn thông mặt đất, đề nghị dự thảo Luật nên quy định thời hạn triển khai trong cam kết triển khai mạng viễn thông cũng như quy định việc thu hồi giấy phép khi xảy ra vi phạm, nhằm tránh tình trạng tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên tần số, gây ra sự độc quyền của các nhà mạng lớn. Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện để xác định hạn mức sử dụng băng tần, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp 2013 cũng như quy định về quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của Luật Doanh nghiệp.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn):
Quy định chặt chẽ trong cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Tôi đồng tình với phương án sửa đổi Điều 18 như trong dự thảo Luật quy định việc cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo 3 phương thức: trực tiếp, thi tuyển và đấu giá. Theo tôi, mục đích của việc này là bảo đảm sự đa dạng hình thức và phù hợp nhiều đối tượng tổ chức, cá nhân, cũng như phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Tuy nhiên tôi vẫn còn băn khoăn tại khoản 5, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 18 đưa ra quy định ba điểm a, b, c đều có sự sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí. Nhưng quy định tại dự thảo Luật với 3 loại hồ sơ cấp phép thì có sự khác nhau về mức độ chi tiết, chặt chẽ của các tiêu chí, trong khi đó chưa có tiêu chí nào phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và cũng chưa có tiêu chí nào là hồ sơ phải bảo đảm điều kiện được cấp giấy phép như nội dung tại khoản 7, Điều 1 dự thảo Luật về việc sửa đổi Điều 20. Ví dụ, tại điểm a thì có quy định là hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì được cấp trước, tức là mới rõ được thứ tự, trình tự và thời gian, còn tiêu chí đúng quy định thì lại chưa rõ theo quy định nào. Do đó, tôi đề nghị cần bổ sung để làm rõ tiêu chí này. Hay ở điểm b thì có 5 tiêu chí rất là cơ bản, rõ ràng, nhưng đến điểm c thì chỉ có 3 tiêu chí. Như vậy, nếu đáp ứng đủ tiêu chí là năng lực tài chính đầu tư và khả năng trả giá cao nhất là khả năng đấu giá sẽ thành công. Dựa vào những quy định trong dự thảo Luật, tôi cho rằng, có thể có tổ chức đấu giá thành công nhưng lại không có năng lực triển khai, hoặc có thể có tổ chức tham gia đấu giá với mục đích không trong sáng. Ví dụ như đầu cơ, găm kênh tần số, băng tần dẫn tới việc khai thác và sử dụng băng tần không hiệu quả.

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải trình sẽ có những biện pháp để hạn chế việc găm kênh, băng tần nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động thì không có nội dung nào mang tính thuyết phục thực sự đối với nội dung này. Do vậy, tôi đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu điều chỉnh hoặc bổ sung tiêu chí để bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng và tương ứng hơn. Đồng thời, cân nhắc câu từ để tạo sự kết nối liên thông với quy định tài khoản 5, Điều 7 về cam kết triển khai mạng viễn thông.

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt, tôi hoàn toàn đồng tình với ba lý do mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đưa ra trong báo cáo thẩm tra. Quan điểm của cá nhân tôi là chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật vì tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thì chỉ dùng cho mục đích này, còn tần số vô tuyến điện được phân bổ cho mục đích phát triển kinh tế thì chỉ dành cho phát triển kinh tế, thương mại. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh nội dung này trong dự thảo Luật cho phù hợp, vì hiện nay dự thảo Luật vẫn đang quy định là có sử dụng kết hợp.

T. Thành - T.Chi - H.Ngọc ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-chat-che-tranh-thau-tom-doc-quyen-i291169/