Bảo đảm điều kiện tốt nhất cho trẻ dưới 6 tuổi phát triển toàn diện
Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực có những hoạt động phát triển toàn diện trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sáng 18.8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo về phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có: Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân và sở, ngành các tỉnh, thành phố; các tổ chức quốc tế và chuyên gia về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Luôn dành chính sách ưu tiên phát triển toàn diện trẻ em
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Trong các giai đoạn phát triển của đất nước, kể cả những thời kỳ khó khăn nhất, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được phát triển toàn diện.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Quốc hội đã ban hành riêng một luật dành cho trẻ em (Luật Trẻ em) và trong nhiều luật khác (Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm y tế, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Người khuyết tật...) có những quy định thể chế hóa quan điểm ưu tiên thực hiện quyền trẻ em.
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Ở địa phương, một số tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có nghị quyết chuyên đề về trẻ em.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong vòng 20 năm (từ 2001 - 2022) tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm tới 7,5%, năm 2020 còn 19,6%, vượt 3,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020; tỷ lệ huy động trẻ em đến cơ sở giáo dục mầm non đạt 66,9%, trong đó tỷ lệ huy động mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%; hàng năm đều đạt mục tiêu, chỉ tiêu chương trình tiêm chủng mở rộng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cộng đồng cho trẻ em.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển toàn diện trẻ em còn nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 làm suy giảm kinh tế toàn cầu và khiến cho 4.386 trẻ em Việt Nam trở thành trẻ mồ côi, trong đó 144 trẻ em mất cả bố và mẹ. Tuy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng mỗi năm tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước và tai nạn giao thông vẫn cướp đi hơn 3.000 sinh mạng trẻ em. Thể lực, chiều cao của trẻ em đã được cải thiện rất nhiều nhưng còn chênh lệch lớn giữa đô thị, những nơi có điều kiện và vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi.
Giáo dục mầm non có chất lượng chưa bao phủ toàn diện, nhất là nhóm trẻ em ở các địa bàn khó khăn. Việc thực hiện quy định của Luật Trẻ em 2016 về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấpchưa được các địa phương thực hiện đầy đủ, thống nhất…
Tăng cường vai trò của cơ quan dân cử các cấp
Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller cho biết, Việt Nam đã và đang là quốc gia tiên phong trong khu vực có những hoạt động phát triển toàn diện trẻ em. Năm 2018, Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng quy mô các chương trình phát triển toàn diện trẻ em trên toàn quốc. Đến nay đã có 58/63 tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động phát triển toàn diện trẻ em của tỉnh để thực hiện đề án.
Dù vậy, theo bà Lesley Miller, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những tác động kinh tế, xã hội sâu rộng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai và biến đổi khí hậu… Những khó khăn này đã cản trở những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng, tạo cơ hội cho mọi người và bảo đảm rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong những năm đầu đời, có thể trưởng thành và phát triển tiềm năng của mình.
Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller đề xuất, tăng cường vai trò của cơ quan dân cử các cấp trong việc giám sát công tác hoạch định và thực thi chính sách về quyền trẻ em, đặc biệt là việc phân bổ và sử dụng ngân sách. Chính phủ thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đầu mối lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cho các chương trình phát triển trẻ thơ và điều phối các nỗ lực hiệu quả hơn giữa các ngành, lĩnh vực. Tăng cường cơ chế điều phối ở tất cả các cấp để cải thiện sự tích hợp các dịch vụ. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát và thực hiện Luật Trẻ em, ưu tiên bảo đảm nguồn lực tài chính công đầy đủ và công bằng ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong những năm đầu đời...
Trong phát biểu đề dẫn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh, hội thảo Phát triển toàn diện trẻ em là cơ hội để các đại biểu bộ, ngành, địa phương và chuyên gia trong lĩnh vực cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trẻ em. Thực tế cho thấy, còn nhiều nội dung cần được tiếp tục quan tâm xem xét để có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, đạt được các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em. Trong đó, thời gian tới, cần ưu tiên chăm sóc dinh dưỡng; giáo dục mầm non; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em...
Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, hành động để tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử và không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, từ đó mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, được phát triển toàn diện hơn.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, cần tăng cường và đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển toàn diện trẻ em. Chẳng hạn, số liệu của Bộ Y tế cho thấy suy dinh dưỡng và trẻ em thừa cân, béo phì đang là vấn đề đáng quan tâm. Điều này xuất phát từ nhận thức của các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ ở thành phố lớn thường chăm lo cho con quá mức dẫn tới thừa cân, béo phì, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất của các em giai đoạn sau này; trẻ thiếu kỹ năng sống, gây khó khăn trong các hoạt động độc lập, khó có sự kết nối, chia sẻ khi đến tuổi trưởng thành.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết, dù tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách phát triển trẻ em, tuy nhiên, với 40 dân tộc anh em sinh sống, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn hơn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, việc tiếp cận thông tin hạn chế; cơ sở vật chất trường lớp, vui chơi giải trí thiếu thốn… Bởi vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách, nguồn lực ưu tiên cho trẻ em vùng núi để các em được phát triển, học hành, vui chơi, được tiếp cận thông tin đầy đủ...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, các ý kiến tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện chính sách và triển khai thực hiện chính sách có liên quan đến trẻ em. Báo cáo kết quả hội thảo với những kiến nghị cụ thể sẽ được gửi tới các cơ quan chức năng, các địa phương và các đại biểu Quốc hội.