Bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn học đường: Cần 'cái bắt tay' của 3 nhà

Thời gian qua, dù TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, kiểm soát ATTP, song vẫn còn những khó khăn, bất cập trong vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cũng như ATTP bữa ăn học đường.

Những vấn đề này đã được xới lên tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Đảm bảo dinh dưỡng và ATTP trong bữa ăn học đường” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở GD&ĐT, Chi cục ATVSTP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Siết chặt quản lý

Hiện nay, Hà Nội có gần 2 triệu học sinh, 50% số trường tổ chức ăn bán trú, do đó nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Trước nguy cơ đó, hàng năm Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, giám sát công tác ATTP tại các trường học.

Ông Đỗ An Thắng - Khoa Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, những năm qua, Sở Y tế luôn phối hợp kiểm tra, giám sát các bếp ăn trường học, các cơ sở cung cấp thức ăn, đồ uống. “Riêng tại tuyến quận, huyện, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, đồng thời, tuyên truyền theo phân cấp, chỉ định các cán bộ đi tập huấn cho các trường học, trung tâm y tế theo đúng quy định” - ông Thắng cho hay.

 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh Ngọc Tú

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh Ngọc Tú

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho biết, năm học 2019 -2020, Sở GD&ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 18 quận, huyện, thị xã. Mỗi đoàn kiểm tra 2 đơn vị từ kiểm tra xác suất đến ngẫu nhiên, qua đó, nắm được tình hình thực hiện vấn đề ATTP cũng như đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn học đường.

Cũng theo ông Tuấn, có những đơn vị thực hiện rất tốt nhưng cũng nhiều trường học gặp khó khăn về cơ sở vật chất tổ chức bữa ăn bán trú, một số đơn vị thực hiện chưa tốt các quy định ATTP.

"Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng phối hợp với các chuyên gia của Bộ GD&ĐT có hệ thống phần mềm đưa ra các thực đơn đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng. Các trường dựa vào đó để điều chỉnh suất ăn đủ dinh dưỡng nhưng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương” - ông Tuấn cho hay.

Tại trường Mầm non Thanh Xuân Trung (quận thanh Xuân) có 500 suất ăn tại bếp ăn bán trú, khâu đảm bảo VSATTP và giám sát bếp ăn luôn được trường đặc biệt quan tâm. “Chúng tôi lựa chọn thực phẩm đầu vào của đơn vị cung cấp uy tín. Trường cũng được quận hỗ trợ chi phí thực hiện việc test nhanh thực phẩm. Vì vậy, trong những năm qua, không có trường hợp nào ngộ độc xảy ra tại trường” - Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Xuân Trung Hoàng Thị Hằng cho hay.

Trong khi đó, hàng ngày, trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) tập trung lo hơn 2.500 suất ăn bán trú nhưng luôn kiểm soát tốt vấn đề ATTP. Để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, trường thường xuyên tổ chức đi kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp thực phẩm (trang trại gà, lợn, rau…) cho nhà trường, thậm chí có những cuộc đi kiểm tra từ 3 giờ sáng hay 12 giờ đêm…

“Trường đã phối hợp với Công ty Hương Việt Sinh xây dựng bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn học đường khi giá thực phẩm tăng cao, nhất là giá thịt lợn. Trong khi, trường chỉ thu 28.000 đồng/2 bữa ăn bán trú (gồm thực phẩm, công nấu, chất đốt, thuế).

Qua đó, trường mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thuế, giảm bớt chi phí, đảm bảo bữa ăn bán trú luôn đủ dinh dưỡng, tăng sự phát triển về thể lực cũng như sức khỏe cho học sinh” – Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch vọng B Đỗ Thị Mai bày tỏ.

Bữa ăn học đường đang thiếu vi chất

Thực tế cho thấy, để bữa ăn học đường đạt chất lượng, đảm bảo chi phí của học sinh là không dễ dàng, cần “cái bắt tay” của cả DN, nhà khoa học và nhà quản lý. Là đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội từ nhiều năm nay, Công ty CP Hương Việt Sinh đã chủ động nguồn thực phẩm chế biến từ rất nhiều nơi cung cấp.

Tháng 9/2019, công ty phối hợp với Viện Y học ứng dụng Việt Nam nghiên cứu bộ thực đơn “Dinh dưỡng cho bữa ăn học đường”. Trong đó, giá thành thấp nhất của một bữa ăn phổ biến trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/bữa. Dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng công ty đã mạnh dạn đưa vào các trường học áp dụng thử thực đơn này, thực hiện 1 bữa/1 tuần và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất công ty gặp phải là cơ sở vật chất tại một số trường học chưa đảmbảo đủ điều kiện, đáp ứng các yêu cầu để chế biến thực phẩm”- ông Bùi Quang Hữu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hương Việt Sinh cho hay.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam Trương Hồng Sơn cho rằng, hiện nay, bữa ăn học đường thường xuất phát từ việc chọn thực phẩm, sau đó tính giá thành. Tuy nhiên, quy trình này chưa đúng và đi ngược lại với thế giới. Theo ông Sơn, trước tiên cần xác định các vi chất có lợi cho trẻ em ở từng độ tuổi, sau đó mới xác định thực phẩm nào chứa các vi chất đó để lựa chọn.

"Bữa ăn của trẻ, đặc biệt là bữa ăn học đường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều phụ huynh và cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức về dinh dưỡng học đường. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ cần nhìn thấy bữa trưa ở trường của con có đủ thịt, cá, rau và đồ tráng miệng là hài lòng, mà chưa để ý trẻ ăn có đủ dinh dưỡng hay không" - ông Sơn nói.

Nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và THCS nước ta dù đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa.

"Sở Y tế cũng như Chi cục ATVSTP đã hỗ trợ trực tiếp công tác kiểm tra tại các bếp ăn tập thể. Hàng năm, các trung tâm y tế thường xuyên hướng dẫn cho các cô giáo quản lý bán trú, người chế biến thực thẩm, đặc biệt là các trường thuê công ty chế biến thực phẩm. Chúng tôi khuyến khích các trường mua thiết bị test xét nghiệm nhanh để chủ động việc tự giám sát. Những xét nghiệm này rất đơn giản, ngoài cảm quan màu sắc, mùi vị, còn nhận biết được một số tiêu chí khác." - Ông Đỗ An Thắng - Khoa Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP Hà Nội

"Cần thiết phải cập nhật các thông tin khoa học khách quan cũng như các khuyến nghị mới nhất của các tổ chức quốc tế và trong nước, để có được thực đơn phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý ngay tại trường học. Đồng thời góp phần giáo dục dinh dưỡng cho bản thân trẻ từ sớm cũng như cho các bậc phụ huynh, gia đình, cộng đồng và xã hội." - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam Trương Hồng Sơn

"Khi triển khai bộ thực đơn mới, trong mỗi suất ăn có rất nhiều thành phần dinh dưỡng, nhiều loại thịt, rau, được thay đổi đa dạng qua các ngày. Điều này dẫn đến chi phí nhân công tăng cao, giá thành tăng theo. Về phía Công ty, tất cả các đầu vào sản phẩm nông nghiệp coi như thuế bằng 0, trong khi đó công ty phải xuất hóa đơn cho các trường 10% VAT. Như vậy, trên mỗi suất ăn phải chịu 10% thuế.

Ngoài ra, hiện nay một nhân viên phục vụ theo quy định chỉ được phục vụ 100 - 150 học sinh, điều này cũng dẫn đến giá thành cao (thực tế giá thành này học sinh phải chịu). Để đảm bảo đủ chất và lượng từng bữa ăn cung cấp cho nhà trường, Công ty mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. Bởi hiện nay, giá thị trường luôn biến động trong khi giá thành bữa ăn đã không thay đổi trong một thời gian dài." - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hương Việt Sinh Bùi Quang Hữu

Trần Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-dam-dinh-duong-va-an-toan-thuc-pham-bua-an-hoc-duong-can-cai-bat-tay-cua-3-nha-358490.html