Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) cho rằng: cần luật hóa khái niệm 'giá đất thị trường' và 'Quyền sử dụng đất' (QSDĐ); cân nhắc điều tiết hài hòa phần giá trị đất tăng thêm giữa Nhà nước và người sử dụng đất…
“Không hiểu đúng bản chất pháp lý sẽ khiếu kiện sai”
Bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai với quan điểm xuyên suốt khi sửa luật là bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh: Để nhận thức thống nhất và áp dụng thống nhất Luật này trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai thì cần bổ sung, sửa đổi một số khái niệm tại điều 3 về Giải thích từ ngữ.
Trong đó, đại biểu đề nghị luật hóa 2 khái niệm (định nghĩa), đó là “Giá đất thị trường” và “Quyền sử dụng đất”. Cụ thể, bổ sung thêm khái niệm “giá đất thị trường” vào điều 3 dự thảo Luật. Bởi, 5 lý do:
Thứ nhất, Luật đất đai 1987, 1993, 2003 và 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan chưa đưa ra khái niệm giá đất thị trường.
Thứ hai, trong điều 3, dự thảo Luật này tại các khoản 19, 20 và 21, nói trên đưa ra khái niệm giá đất; giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường và giá trị QSDĐ, nhưng không phải là khái niệm giá đất thị trường.
Thứ ba, tại khoản 20 “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là giá chuyển nhượng QSDĐ xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong một khoảng thời gian nhất định không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ”… “Khái niệm này đã thực sự khách quan, phổ biến và được Nhà nước, người sử dụng đất và cộng đồng công nhận hay chưa? Đã thỏa mãn “Giá thị trường” chưa?”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đặt câu hỏi.
Thứ tư, tại mục c, khoản 1, Điều 163 về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”… ĐBQH Võ Thị Minh Sinh bày tỏ băn khoăn: Như thế nào được hiểu là “Trong điều kiện bình thường”? Bình thường ở thời điểm nào ? Chủ thể nào xác nhận đó là bình thường ?Bình thường với chủ thể này, nhưng liệu có bất thường với chủ thể khác hay không?...
Thứ năm, tại Khoản 4, 5, Điều 4 về giải thích từ ngữ, Dự thảo Luật Giá định nghĩa “Giá thị trường, là giá hàng hóa, dịch vụ trong giao dịch khách quan và độc lập được hình thành do các yếu tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định”; “Mặt bằng giá thị trường, là mức giá bình quân của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời kỳ tại một không gian nhất định và được phản ánh bằng chỉ số tiêu dùng”…
“Do vậy, luật này cần đưa ra định nghĩa “giá đất thị trường”. Cụ thể, cần làm rõ nội hàm khái niệm “giá đất thị trường”; yếu tố nào cấu thành “giá đất thị trường”; chủ thể nào xác nhận “giá đất thị trường”; và điều này còn liên quan đến việc: Liệu việc quy định bảng giá đất 5 năm và hàng năm được xây dựng và công bố định kỳ 5 năm, hàng năm, thì có sát với giá thị trường của từng thời điểm trong năm hay không?”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến Điều 3 Dự thảo Luật, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, cần bổ sung thêm khái niệm “Quyền sử dụng đất”… “Thiết nghĩ, cần tham khảo ý kiến một số chuyên gia: QSDĐ là quyền tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát sinh trên cơ sở quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc từ các giao dịch nhận chuyển QSDĐ. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt QSDĐ phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục do pháp luật quy định”, đại biểu nêu rõ.
Tại khoản 26, đại biểu đề nghị xem xét, sửa thành: “Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước thực hiện hành vi pháp lý đơn phương trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển ngoài các khoản bồi thường theo quy định của Luật này”… Bởi, theo đại biểu, mục đích của Nhà nước là “Trợ giúp” cho người có đất thu hồi; do đó, nên dùng từ “chính sách” hay “hành vi pháp lý đơn phương” thực chất có cùng một nội hàm… Tuy nhiên, cũng cần chỉ rõ đây là “hành vi pháp lý đơn phương” của Nhà nước, nhận thức đúng khái niệm này sẽ hạn chế người sử dụng đất khiếu nại, khởi kiện hành chính về “chính sách” khi nhà nước thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ.
Cũng theo lý giải của ĐBQH Võ Thị Minh Sinh, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là hành vi hành chính, là đối tượng của khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, nếu không hiểu đúng bản chất pháp lý quy định này sẽ khiếu kiện sai. (tại điểm a, khoản 1, Điều 112: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ”)… Do đó, xem xét hỗ trợ chính là hành vi hành chính đơn phương của nhà nước.
Tránh phát sinh thêm nhiệm vụ liên quan đến biên chế và chi phí trông coi
Liên quan đến nội dung cưỡng chế thu hồi đất (điểm c, khoản 4, điều 95): “Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản”…
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh nêu thực tiễn: Cưỡng chế thu hồi đất đã phức tạp, nhưng cưỡng chế thu hồi đất có tài sản gắn liền với thửa đất này còn phức tạp hơn. Việc cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, công trình làm hư hỏng tài sản của chủ thể bị cưỡng chế (bị khởi kiện…). Sau khi tháo dỡ, di chuyển tài sản gắn liền với đất, chủ thể bị cưỡng chế cố tình không nhận tài sản này, cơ quan cưỡng chế không có nhân lực và kinh phí trông coi, bảo quản vô thời hạn… “Vì vậy, cần quy định thời gian cụ thể (có thời hạn) kể từ ngày tháo dỡ, người có tài sản phải nhận và di chuyển đi nơi khác, chính quyền không chịu trách nhiệm bảo quản… tránh phát sinh thêm nhiệm vụ liên quan đến biên chế và chi phí trông coi”, đại biểu đề nghị.
Đối với quy định các khoản thu tài chính từ đất đai (tại điều 157), đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều tiết hài hòa phần giá trị đất tăng thêm giữa Nhà nước và người sử dụng đất… (Luật Đất đai năm 2003, 2013 đã quy định nội dung này, nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được để tạo nguồn thu).