Bảo đảm nguồn cung điện ổn định cho nền kinh tế

Với vai trò trụ cột trong hệ thống cung cấp điện, EVN không chỉ đối mặt với áp lực tài chính mà còn phải thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến an sinh xã hội, ổn định chi phí vì điện năng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo chi phí sản xuất ở mức độ phù hợp cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những khó khăn về cơ chế giá điện và thiếu hụt nguồn lực đang là trở ngại lớn cho khả năng đầu tư và phát triển bền vững của ngành điện. Trong bối cảnh này, việc cải cách cơ chế giá điện được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho nền kinh tế.

Theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, việc duy trì ổn định điện năng không chỉ giúp ổn định chi phí sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Một ví dụ cụ thể là việc EVN đã triển khai và hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 với tốc độ nhanh chóng, thể hiện sự quyết tâm cao trong việc đảm bảo cung cấp điện liên tục.

TS Hà Đăng Sơn: "Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn".

TS Hà Đăng Sơn: "Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn".

Hiện tại, EVN đang đối mặt với khó khăn lớn về tài chính do giá điện bán ra chưa phản ánh đúng chi phí sản xuất. TS Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều yếu tố đầu vào như giá than, tỷ giá ngoại tệ đều biến động, khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, trong khi giá điện bán ra không đủ để bù đắp chi phí.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: "Việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước".

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa: "Việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước".

Giải pháp lâu dài để giúp EVN và ngành điện Việt Nam vượt qua thách thức, theo các chuyên gia, chính là việc tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất điện và tách bạch các mục tiêu an sinh xã hội ra khỏi chính sách giá điện. Việc tách bạch chính sách giá điện và hỗ trợ xã hội, như chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, sẽ tạo điều kiện để giá điện được điều chỉnh phù hợp với thực tế, từ đó giảm áp lực tài chính cho EVN. Những điều này cũng đồng nghĩa với việc EVN sẽ có điều kiện tốt hơn để thu hút đầu tư, ký kết các hợp đồng mua bán điện dài hạn, từ đó mở rộng và nâng cấp hạ tầng điện lực nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bao-dam-nguon-cung-dien-on-dinh-cho-nen-kinh-te-102241011110834669.htm