Bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế và quốc phòng

ĐBP - Những năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về 'lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội đến năm 2020' trong bối cảnh còn nhiều khó khăn: Địa bàn vùng cao biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hoạt động tuyên truyền thành lập 'Nhà nước riêng', tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất cảnh trái phép, tội phạm ma túy, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp. Song với sự tập trung lãnh đạo toàn diện, các đơn vị quân đội đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 520. Qua đó góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh san nền, làm nhà mới cho người dân xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Đức Hạnh

Đại tá Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Đảng ủy Quân sự tỉnh và cấp ủy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Từ đó thống nhất nhận thức trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh: tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác quy hoạch, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, huyện gắn với củng cố quốc phòng - an ninh (QPAN). Đảm bảo vừa phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QPAN trong thời chiến. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội như: Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang, các nhà máy thủy điện, dự án trồng rừng, trồng mắc ca… đều có tính lưỡng dụng cao. Hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây mới gắn với yêu cầu về QPAN tạo mạng lưới liên hoàn, nối các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng yêu cầu hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ. Đường tuần tra biên giới, kè bảo vệ đường biên, mốc giới được đầu tư, xây dựng như: Đường Nà Hỳ - Huổi Sam Lang - mốc 60; đường biên giới Na Phay - Huổi Chanh; đường ra vào Đồn Sen Thượng; đường tuần tra biên giới trục Sam Mứn - Núa Ngam - Huổi Puốc. Những dự án này vừa góp phần mang lại cơ hội phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực xa xôi, khó khăn trên biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời bảo đảm cho quân đội cơ động tuần tra, ứng phó khi có tình huống và tăng cường tiềm lực QPAN ở địa bàn chiến lược.

Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, lực lượng vũ trang tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, triển khai Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, Bộ CHQS tỉnh đã tham gia bố trí, sắp xếp, ổn định tại chỗ cho 159 điểm bản; di chuyển và bố trí ổn định cho 1.868 hộ với 5.268 nhân khẩu tại 32 bản mới và 6 bản cũ; hỗ trợ xây dựng nhà cho 1.801 hộ người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo huyện Nậm Pồ và Mường Nhé. Hàng năm, tổ chức lực lượng hành quân dã ngoại thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới hướng Tây mùa khô kết hợp làm công tác dân vận tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Các đơn vị LLVT phối hợp chính quyền địa phương triển khai, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất, phòng chống cháy rừng; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Cán bộ chiến sĩ quân đội đã tham gia 7.536 ngày công khắc phục hậu quả thiên tai; tu sửa, làm mới 332 nhà cho người nghèo, 366 phòng học, 677,5km đường liên xã, liên bản, 272km kênh mương, 22 cầu gỗ và bê tông; trồng 3,9ha rừng, thu hoạch 18,4ha lúa, hoa màu.

Nêu cao tinh thần tự lực tự cường, LLVT tỉnh chủ động tăng gia sản xuất, cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm thường xuyên và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất. Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tự túc được 100% rau xanh, 80% định lượng thịt, 30% định lượng cá. Qua đó trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội, tạo nguồn thu bổ sung cho hoạt động của đơn vị, góp phần ổn định giá cả thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Những kết quả đó đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng hạ tầng, tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư; xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Bảo đảm cho kinh tế và quốc phòng phát triển hài hòa, thường xuyên hỗ trợ, tác động lẫn nhau; tạo điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ xây dựng thế trận phòng thủ đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-phong/188112/bao-dam-phat-trien-hai-hoa-kinh-te-va-quoc-phong