Bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân

Sau 5 năm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) đã góp phần hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ Nhân dân tới các hoạt động của cơ quan hành chính, đảm bảo công tác quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nâng cao lòng tin của Nhân dân vào Nhà nước.

 Người dân rất cần được cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch

Người dân rất cần được cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch

Tăng cường tính minh bạch, hiệu quả

Luật TCTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018 và Nghị định số 13 được Chính phủ ban hành tháng 1/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng cụ thể hóa quyền TCTT của công dân, quy định một cách cụ thể, tập trung và thống nhất trách nhiệm cung cấp thông tin (CCTT) của cơ quan nhà nước, cũng như quy định rõ quyền của công dân trong việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước CCTT.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng, ngay sau khi Luật TCTT có hiệu lực thi hành, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ giải pháp đưa luật vào cuộc sống. Qua đó, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc TCTT theo quy định của pháp luật. Thông qua các báo cáo định kỳ và khảo sát thực tế, nhìn chung việc triển khai Luật TCTT đã cơ bản thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền được TCTT của Nhân dân, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhu cầu TCTT của công dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như: thông tin trong lĩnh vực quy hoạch tỉnh, quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, chế độ, chính sách… Từ khi Luật TCTT có hiệu lực thi hành, công tác triển khai thi hành luật trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.

Việc đảm bảo quyền TCTT của công dân được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng; việc đăng tải, CCTT được thực hiện thường xuyên, kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu CCTT của các tổ chức, cá nhân. Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin chính sách, pháp luật, đảm bảo cho mọi công dân được TCTT thuận tiện nhất.

Ông Võ Ngọc Mạnh, trú xã Hải Dương, TP. Huế cho biết: So với trước đây thì hiện nay chúng tôi rất thuận tiện trong tìm hiểu các thông tin của xã, thành phố, tỉnh, Trung ương thông qua các hội nghị, cuộc họp, thông báo niêm yết tại trụ sở UBND xã, trên môi trường mạng. Các thông tin được công khai, minh bạch giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt, từ đó chấp hành tốt các chủ trương, quy định của Nhà nước. Ví dụ như chủ trương giải phóng mặt bằng tái định cư phục vụ cho công trình cầu vượt biển Thuận An đã được chúng tôi tìm hiểu ở trụ sở UBND xã để được biết và tuyên truyền cho người dân đồng thuận.

Qua 5 năm, ngoài những thông tin được công khai, tổng số yêu cầu CCTT là 6.341; hình thức CCTT theo yêu cầu trực tiếp tại trụ sở 4.178; gửi phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính là 2.163. Trong đó nổi lên là việc cá nhân, tổ chức yêu cầu CCTT về lĩnh vực quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng… chiếm hơn 70%. Qua đó, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng

Một thuận lợi trong triển khai Luật TCTT đó là các cơ quan nhà nước đã chủ động công khai các thông tin trên trang thông tin điện tử nên tỷ lệ người có yêu cầu CCTT theo quy định thấp. Việc triển khai Luật TCTT được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất đã góp phần bảo đảm quyền được TCTT của Nhân dân, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhiệm vụ CCTT được thực hiện trong bối cảnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chủ trương xây dựng chính phủ điện tử của Chính phủ, đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế nên có nhiều thuận lợi cho công tác thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật TCTT cũng đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc, như: Một số cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối CCTT tại cơ quan, đơn vị chưa được trang bị kỹ năng cần thiết và tập huấn chuyên sâu để triển khai hiệu quả nhiệm vụ CCTT; điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để hỗ trợ người khuyết tật trong TCTT tại các cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức. Đáng chú ý, trong bối cảnh khoa học công nghệ và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ đặt ra yêu cầu ngày càng cao về cơ sở vật chất, năng lực của cán bộ phụ trách CCTT cần đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, nội dung đầy đủ, chính xác.

Qua 5 năm thực hiện Luật TCTT, các cấp chính quyền đã đồng bộ trong triển khai thi hành. Việc đảm bảo quyền TCTT của công dân được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không có hành vi vi phạm pháp luật về TCTT; không có các vụ khiếu nại, khởi kiện liên quan đến CCTT. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật, thông tin; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tạo đồng thuận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bao-dam-quyen-duoc-tiep-can-thong-tin-cua-nhan-dan-142761.html