Bảo đảm quyền lợi cho người lao động di cư

Với việc đưa Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi (Luật số 72) thảo luận tại Quốc hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động di cư.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho biết: “Việc quy định cấm áp dụng các loại phí tuyển dụng và chi phí liên quan một cách rõ ràng trong luật đóng vai trò rất quan trọng. Khi người lao động phải trả lệ phí và chi phí cao, cũng như phải vay nợ với lãi suất cao để đi làm việc ở nước ngoài, họ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bị lạm dụng, bóc lột, lệ thuộc vì nợ, lao động cưỡng bức và buôn bán người. Do đó, những lợi ích cho phát triển của di cư lao động không thể được đảm bảo một cách đầy đủ”.

 Lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa. TTXVN.

Lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa. TTXVN.

Công ước về Các cơ quan dịch vụ việc làm tư nhân số 181 và Các nguyên tắc chung và hướng dẫn triển khai hoạt động tuyển dụng công bằng của ILO nêu rõ “người lao động không phải gián tiếp hay trực tiếp chịu một phần hay toàn bộ lệ phí tuyển dụng hoặc chi phí liên quan” và “chủ sử dụng lao động, trong khu vực công cũng như tư, hoặc trung gian của họ, thay vì người lao động, phải chịu chi phí tuyển dụng”.

Bà Anna Olsen, chuyên gia về lao động di cư của ILO cho biết: “Các hành vi lạm dụng liên quan đến tình trạng lệ thuộc do nợ nần xuất phát từ việc trả các khoản phí tuyển dụng có thể dẫn đến nạn lao động cưỡng bức và buôn bán người. Để giải quyết các vấn đề rủi ro liên quan đến lao động cưỡng bức, cần phải có một khung pháp lý quốc gia đầy đủ và các chính sách di cư lao động toàn diện dựa trên những tiêu chuẩn lao động quốc tế".

Theo chuyên gia, việc sửa đổi Luật số 72 mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc đáp ứng các nhu cầu từ nhiều chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu muốn thuê lao động di cư “được tuyển dụng không phí”, theo đó họ không phải trả bất cứ khoản chi phí nào để đi làm việc ở nước ngoài. Điều này sẽ giúp bảo vệ người lao động di cư tốt hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee cũng hy vọng Việt Nam có thể thúc đẩy tiềm năng phát triển của di cư và cách tốt nhất để thực hiện việc này là đảm bảo việc bảo vệ quyền của người lao động di cư trước, trong và sau khi di cư lao động. Đồng thời ILO tái khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu quan trọng này.

HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-di-cu-622674