Bảo đảm tính chặt chẽ, không tạo khoảng trống pháp luật

Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp ý 4 nội dung thuộc các Điều 27, 31, 45 và 51 của dự thảo luật.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường.

Cụ thể: Đối với Điều 27, về tên gọi, đồng chí đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân” vào sau cụm từ “Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân” nhằm bảo đảm thể hiện đầy đủ với nội hàm được quy định tại điều này.

Tại khoản 1, Điều 27 quy định: “1... Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở...”.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Tâm, việc quy định “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã” một mặt chưa xác định “người đó” là người nào? (người cho rằng mình là nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của họ). Mặt khác, quy định này cũng không khả thi trong các trường hợp người trình báo là đại diện hợp pháp của nạn nhân và nạn nhân hiện đang không có mặt tại địa phương nơi trình báo. Hơn nữa, dùng từ “chuyển” cũng không phù hợp, vì đây là con người, không phải là vật hoặc đồ vật và họ cũng cần được bảo vệ trong quá trình đến trình báo.

Vì vậy, ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung cụm từ “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã...” bằng cụm từ “…bảo vệ và đưa ngay người đó hoặc thông báo đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở…”. Đồng chí cho rằng, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, không tạo khoảng trống pháp luật.

Đối với Điều 31, tại khoản 3 về tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị thay cụm từ “Cơ quan chuyên môn về Ngoại vụ cấp tỉnh” bằng cụm từ “Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh”. Theo đồng chí, việc thay thế này sẽ dễ dàng xác định đúng địa chỉ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và phù hợp với quy định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 9, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định các sở đặc thù ở một số địa phương, trong đó có Sở Ngoại vụ và đối với những tỉnh không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì được thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh).

Ý kiến cũng đề nghị bổ sung cụm từ “Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế thuộc BĐBP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” sau cụm từ “Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh”. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm lý giải, để phù hợp với Điều 14, Luật Biên phòng Việt Nam quy định: BĐBP có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại Điều 34, Hiệp định quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới, cụ thể: ...“lực lượng BĐBP có nhiệm vụ PCMBN, buôn lậu và gian lận thương mại”.

Do đó, khoản 3, Điều 31, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung, sửa lại như sau: “3. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội sau khi tiếp nhận người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này và thông báo cho Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ thuộc UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế thuộc BĐBP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc để trao trả về nước mà họ là công dân hoặc họ thường trú”.

Tại khoản 2, Điều 45 về Hỗ trợ phiên dịch, để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và tính khả thi, ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “và người dưới 18 tuổi đi cùng” vào sau cụm từ “nạn nhân”. Theo đồng chí, viết lại khoản này như sau: “Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại Cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân”. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu phát biểu trước đó về việc cần xác định rõ năng lực, trình độ của người phiên dịch.

Về Điều 51: Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại khoản 1, đồng chí đề nghị bỏ cụm từ “địa bàn” trước cụm từ “khu vực biên giới”. Đồng thời sắp xếp lại các cụm từ “khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu” tại khoản 1, 2 và 3 của Điều 51 thành “khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo”.

Khẳng định việc sắp xếp như dự thảo luật không làm ảnh hưởng đến nội dung, tuy nhiên theo đồng chí, việc sắp xếp lại để phù hợp, thống nhất với khoản 4, Điều 9 của dự thảo luật cũng như thống nhất với quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Cảnh sát biển Việt Nam, vì các luật này không sử dụng cụm từ “địa bàn khu vực biên giới” mà sử dụng cụm từ “ở khu vực biên giới” và cụm từ “khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển” đi liền với nhau.

Ngọc Mai (lược ghi)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/bao-dam-tinh-chat-che-khong-tao-khoang-trong-phap-luat-2221804/