Bảo đảm tính 'đặc thù' của cơ chế, chính sách phát triển các địa phương

Sáng 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Cần khung tiêu chí để áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Phát biểu thảo luận, cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.

Các đại biểu cũng cho rằng, chính sách đặc thù đã được áp dụng tại một số địa phương, do đó cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương là do tác động của chính sách đặc thù hay dựa trên thế mạnh của địa phương; sau khi áp dụng chính sách đặc thù địa phương có phát triển như kỳ vọng hay không để đánh giá tính hiệu quả của cơ chế để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, không nên áp dụng dàn trải quá nhiều địa phương khi chưa có tổng kết, đánh giá.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) thảo luận trực tuyến.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) và đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm, điều quan trọng là chúng ta phải đặt cơ chế, chính sách trong tổng thể nền kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ. Trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề. “Tại sao không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Còn đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) đề nghị, cần xác định quan điểm, tiêu chí xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết thỏa đáng, tránh cơ chế “xin - cho”, quyết định cảm tính. Cần xây dựng mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét, lựa chọn thực hiện thí điểm, xem xét lựa chọn một số địa phương đại diện vùng miền đáp ứng được tiêu chí và thứ tự ưu tiên, kết hợp với các địa phương được xem xét lần này để thực hiện, trên cơ sở đó tổng kết, thực hiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

“Theo tôi, nên chú trọng cơ chế phân cấp, phân quyền, hạn chế chính sách phân bổ thêm nguồn lực ngân sách trung ương, ngân sách chi thường xuyên”, đại biểu Cầm Hà Chung nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) thảo luận trực tuyến.

Về chính sách dư nợ vay, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, mức dư nợ vay của địa phương không được vượt quá 20%, nhưng thực tế chưa sử dụng hết định mức hiện tại như tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng nhưng mức dư nợ vay đến cuối năm nay chỉ đạt 27% mức trên; đồng thời, tại các địa phương đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thì trần dư nợ vay đều thấp hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép. Do đó đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế và nguồn trả nợ vay.

Bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cân nhắc lưu ý điểm dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách; đồng thời, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế cả nước, không chỉ riêng địa phương nào. Do đó, xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo gánh nặng cho ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến điều tiết và phân bổ ngân sách trung ương đối với các địa phương khác.

“Tôi đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) thảo luận trực tuyến.

Còn đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về trung ương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc ban hành nghị quyết phải đi đôi với xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện nhằm bảo đảm nghị quyết đã ban hành phải phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, không chỉ tạo ra động lực mới về vật chất mà con phải tạo niềm tin cho cử tri, uy tín cho Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng hài hòa phát triển các vùng miền, việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm để các tỉnh, thành phố nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, có điều kiện bứt phá phát triển tạo động lực, cực tăng trưởng mới, lan tỏa thúc đẩy phát triển trong vùng và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. “Trong khi đó, hệ thống chính sách vẫn giữ nguyên chứ không có sự mất cân bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu chí để lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương và tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã áp dụng; dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, tạo tính bứt phá nhưng đề cao tính tự lực, tự cường vươn lên. Cơ chế, chính sách đặc thù tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 33 đại biểu phát biểu ý kiến và tranh luận với đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết trên.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1015687/bao-dam-tinh-dac-thu-cua-co-che-chinh-sach-phat-trien-cac-dia-phuong