Bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Cho ý kiến tại phiên họp, có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung quy định liên quan đến công nghiệp lọc, hóa dầu vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, dự thảo Luật chỉ đề cập đến vấn đề thăm dò, khai thác dầu khí (thượng nguồn), chưa đề cập đến công nghiệp lọc, hóa dầu (trung, hạ nguồn); trong khi hoạt động khai thác dầu khí cũng nhằm mục đích phục vụ cho ngành lọc, hóa dầu trong nước. Do đó đề nghị cân nhắc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật liên quan đến lĩnh vực này

Thiếu tướng LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Phạm vi điều chỉnh trong luật hiện hành không điều chỉnh lĩnh vực lọc hóa dầu, tuy nhiên theo nghị định 36 xác định lọc hóa dầu là hoạt động công nghiệp cần phải phát triển, Nghị định 55 của Bộ Chính trị xác định rõ là phải tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu theo hướng nâng cao chất lượng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu…dầu khí cũng liên quan đến lọc hóa dầu như vậy trong phạm vi điều chỉnh không có vđ này, ban soạn thảo cho biết thêm.”

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Tôi cho rằng nếu đưa lọc hóa dầu có sản phẩm theo chỉ thị của Bộ Chính trị thì rất hay.”

Đối với các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần xem xét, điều chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Khoản 2 mâu thuẫn với khoản 1, nó rất khó áp dụng, đề nghị bộ tư pháp, ủy ban pháp luật thiết kế với nhau sao cho hợp lý, viết chi tiết như thế này dễ nhưng khó, tự ghè đá chân mình.”

Ông NGUYỄN KHÁNH NGỌC, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Vấn đề khó nhất hiện nay là mối quan hệ giữa luật này với luật khác, thiết kế rất khó, thống nhất quan điểm trong lĩnh vực dầu khí có những nội dung đặc thù, và cần phải có quy định riêng cho lĩnh vực này, đảm bảo thu hút đầu tư. Cần phải thiết kế kỹ hơn.”

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hữu quan chủ trì xây dựng, thẩm tra dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, nhất là các ý kiến đóng góp về tính chất đặc biệt, đặc thù của hoạt động dầu khí để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, tiếp tục đưa dự án Luật ra xem xét tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi được trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thực hiện : Hoàng Hương Quang Sỹ Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bao-dam-tinh-thong-nhat-cua-du-an-luat-dau-khi-sua-doi