Bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được tổ chức trong 1 ngày, tập trung khoảng từ ngày 10 đến hết ngày 18/11, khuyến khích các đơn vị tổ chức đồng loạt vào ngày 16/11/2024 (thứ Bảy) hoặc ngày 17/11/2024 (Chủ nhật).
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh để hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa, công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
P.V: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Đồng chí Phùng Quang Huy: Ngày hội ĐĐKTDT là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ. Thông qua tổ chức Ngày hội nhằm tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐKTDT ở cộng đồng dân cư; tập hợp nhân dân, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của nhân dân ở cộng đồng dân cư trong thực hiện chủ trương, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động tổ chức trong Ngày hội đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
Qua đó, nhân dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh; thi đua phát triển kinh tế; tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Những năm gần đây, đã có gần 15.000 hộ tự nguyện hiến hàng triệu mét vuông đất; ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa kênh mương nội đồng.
Theo đó, đến nay, Yên Bái đã trở thành điểm sáng về XDNTM ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc với 110/150 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Yên Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023 và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 4 được công nhận hoặc hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được trong XDNTM không chỉ góp phần tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh, mà còn góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh đạt 65,62%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,5%; tỷ lệ thôn, bản tổ văn hóa đạt gần 40%; toàn tỉnh đã thành lập được hơn 3.500 tổ tự quản trên các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhân khẩu, hộ khẩu…
P.V : Ngày hội ĐĐKTDT năm nay, các địa phương, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phùng Quang Huy : Ngày hội ĐĐKTDT năm nay, các địa phương thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức 2 nội dung, phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, tập trung vào tuyên truyền lịch sử, truyền thống vẻ vang và kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước và từng cộng đồng dân cư; tuyên truyền nội dung nghị quyết đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; giới thiệu và nhân rộng các điển hình, tiêu biểu, những việc làm hay, giải pháp sáng tạo trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước...
Phần hội tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, chú trọng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi địa phương trong Ngày hội; tổ chức các hoạt động dân vũ, hoạt động dưỡng sinh ngoài trời nhằm thu hút sự tham gia của đồng đảo nhân dân trên địa bàn. Cùng đó, các địa phương có thể tổ chức các hoạt động triển lãm gian hàng; giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP; quảng bá du lịch địa phương, du lịch cộng đồng...
Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thăm hỏi động viên gia đình chính sách, người có công, cán bộ lão thành cách mạng; chăm lo, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi); thăm hỏi, trao tặng quà, Nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; khởi công, khánh thành các công trình dân sinh; ra quân trồng cây, trồng hoa trên các tuyến đường dân sinh, khu dân cư, trong khuôn viên gia đình.
Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, việc tổ chức Ngày hội có thể lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp nhưng phải bảo đảm ý nghĩa và mục đích của Ngày hội và có sự tham gia đông đủ của nhân dân ở cộng đồng dân cư; phải bảo đảm vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Ngày hội sẽ được tổ chức trong 1 ngày, tập trung khoảng từ ngày 10 đến hết ngày 18/11, khuyến khích các đơn vị tổ chức đồng loạt vào ngày 16/11/2024 (thứ Bảy) hoặc ngày 17/11/2024 (Chủ nhật).
P.V : Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Oanh (thực hiện)