Báo động doanh nghiệp nợ thuế, bảo hiểm

Mới đây, Cục Thuế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên đều công bố danh sách các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế và BHXH theo quy định. Trong đó, một số DN nhiều năm liền nằm trong danh sách nợ cả hai loại với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng chuyển biến chưa như mong muốn.

Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty CP Đầu tư xây lắp thương mại Hoàng Gia 4T tại T.X Phổ Yên phải dừng do nhiều nguyên nhân. Công ty nằm trong số doanh nghiệp đang nợ đọng thuế. Ảnh T.L

Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty CP Đầu tư xây lắp thương mại Hoàng Gia 4T tại T.X Phổ Yên phải dừng do nhiều nguyên nhân. Công ty nằm trong số doanh nghiệp đang nợ đọng thuế. Ảnh T.L

Theo cơ quan Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 1/2022, tổng số DN nợ thuế trên địa bàn là 60 đơn vị với số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ lên tới trên 214 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có 4 DN nợ thuế trên 1 tỷ đồng, 8 DN nợ từ trên 2 tỷ đồng đến trên 8 tỷ đồng, 3 doanh nghiệp nợ từ trên 24 tỷ đồng trở lên… Cá biệt, có DN nợ tới trên 75 tỷ đồng.

Điều đáng nói là các DN nợ thuế ở mức cao đều tăng số nợ theo từng giai đoạn, thể hiện đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc thiếu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Điển hình là các DN: Công ty TNHH Một thành viên Khai khoáng và Bất động sản Anh Thắng, Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát, Công ty TNHH Một thành viên xây dựng 472, Công ty CP Quốc Cường Mê Linh…

Đối với BHXH, số đơn vị, DN nợ bảo hiểm (gồm BHXH, BHYT, BHTN) của người lao động từ 6 tháng trở lên, tính đến thời điểm ngày 10/3/2022 là 92 đơn vị với tổng số tiền trên 25,7 tỷ đồng. So với nợ thuế, số đơn vị, DN nợ bảo hiểm nhiều hơn, nhưng lại ít hơn về số tiền nợ.

DN nợ bảo hiểm cao nhất là Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng với số tiền nợ trên 11,3 tỷ đồng, tiếp theo là Công ty CP may Bảo Lâm Thái Nguyên, nợ trên 5 tỷ đồng. Số còn lại nợ từ hơn 1 tỷ đồng trở xuống.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có những đơn vị, DN mặc dù đã thu tiền bảo hiểm của người lao động nhưng chưa nộp cho cơ quan bảo hiểm. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người lao động khi cần phải giải quyết các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm. Theo số liệu do cơ quan BHXH tỉnh cung cấp, hiện tại có gần 600 trường hợp người lao động đang làm việc trong 92 đơn vị, DN nói trên chưa được chủ DN đóng bảo hiểm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc nợ thuế và BHXH của các đơn vị, DN trên địa bàn chưa thuyên giảm một phần do DN gặp khó khăn bởi những tác động tiêu cực của dịch bệnh, sự biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Tuy vậy, một phần không nhỏ chính là ý thức, trách nhiệm của chủ DN đối với nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước và bảo hiểm đối với người lao động.

Có thể nói, việc các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp từ đôn đốc, nhắc nhở cho đến xử phạt các trường hợp chậm nộp là giải pháp không mong muốn, song với thực tế nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước và chế độ bảo hiểm đối với người lao động, đã đến lúc cần phải có các biện pháp mạnh tay hơn, nhất là đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình chậm nộp.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/bao-dong-doanh-nghiep-no-thue-bao-hiem-298986-205.html