Báo động gây tai nạn giao thông bỏ trốn
Tình trạng tài xế bỏ chạy sau khi xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng.
Điều này khiến người tham gia giao thông không khỏi lo lắng, bức xúc. Con số 361 vụ TNGT khiến 220 người tử vong từ đầu năm đến nay mà trong đó tất cả các tài xế đều bỏ chạy khỏi hiện trường thực sự là con số rất đáng báo động.
Liên tiếp lái xe gây tai nạn bỏ chạy
Trưa 4/11, tại nút giao thông Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vụ TNGT giữa một ô tô tải với một xe đạp điện khiến người phụ nữ đi xe đạp điện là bà Nguyễn Ngọc Nhẫn (SN 1960, ở Hà Nội) tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tài xế ô tô tải tăng ga rời khỏi hiện trường. Ngay tối 4/11, cảnh sát đã xác định được tài xế bỏ trốn là Hoàng Khắc Lợi (SN 1993, ở xã Hoàng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), đồng thời triệu tập lên Hà Nội làm việc.
Trước đó, khoảng 7h ngày 29/10, tại Km 21+300 trên QL32 qua địa bàn thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), khi cụ Trần Thị Quế (SN 1948, ở thị trấn Phùng) đang nhóm bếp lò than ở vỉa hè thì bị một xe Innova lao với tốc độ cao tông trúng.
Cụ Quế tử vong tại chỗ, còn chiếc Innova bỏ chạy. Qua xác minh, Công an huyện Đan Phượng đã về Yên Bái bắt giữ tài xế Phạm Thành Công (SN 1989, ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), người đã điều khiển ô tô Innova BKS 21A - 016.96 tông tử vong cụ Quế.
Mất khá nhiều công sức, chiều tối 3/11, cảnh sát mới tìm được Đặng Khánh Tùng (SN 1973, trú xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đang lẩn trốn tại thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), là người gây ra vụ tai nạn trên địa bàn rồi bỏ trốn. Sáng cùng ngày, Tùng điều khiển xe ô tô mang BKS 88C - 123.32 tông trúng xe máy điện khiến 2 nữ sinh bị thương rất nặng.
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 361 vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn, làm chết 220 người, bị thương 78 người.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và Giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hành vi bỏ trốn sau TNGT không chỉ đánh dấu sự xuống cấp về mặt đạo đức của người lái xe mà còn cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật. Hành vi này cần được xã hội lên án và phải bị trừng trị bằng pháp luật.
Bỏ trốn khiến hậu quả nghiêm trọng hơn
Cũng vì bỏ chạy sau tai nạn, mà chiếc Mazda BKS 30E - 885.18 do Nguyễn Quang Hưng (SN 2002, trú xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) điều khiển đã gây tai nạn liên hoàn làm 1 người tử vong và 7 người bị thương.
Theo đó, chiều 11/10, trên QL32 qua địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Hưng điều khiển xe ô tô BKS 30E - 885.18 đã xảy ra va chạm với xe mô tô mang BKS 19K6 - 7322 nhưng Hưng không dừng lại mà bỏ chạy.
Đến Km 44+200 trên QL32, xe Mazda tiếp tục va chạm xe mô tô mang BKS 29V - 503.69 nhưng Hưng vẫn điên cuồng lái ô tô chạy tiếp đến Km 43+600 trên QL32 thì đâm vào một người đi bộ khiến người này tử vong. Tiếp tục bỏ chạy, chiếc “xe điên” này đâm vào xe mô tô mang BKS 20B2 - 238.23 và vẫn không dừng lại, bỏ chạy đến QL21 tiếp tục đâm vào 2 xe máy, 3 ô tô.
“Nếu sau khi va chạm với chiếc ô tô ban đầu, Hưng dừng xe lại, giữ nguyên hiện trường, không cố gắng bỏ chạy thì hậu quả vụ TNGT không lớn đến thế”, một cán bộ Công an thị xã Sơn Tây nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, sau 1 vụ TNGT, có thể xảy ra 3 tình huống. Thứ nhất, tài xế dừng lại, giữ nguyên hiện trường, thông báo cho cơ quan chức năng, phối hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu, đây là việc làm đúng pháp luật, nhân văn.
Trường hợp thứ hai, tài xế gây tai nạn bỏ xe lại và rời khỏi hiện trường, điều này được pháp luật cho phép. Còn hành vi lái xe tiếp tục điều khiển phương tiện bỏ trốn khỏi hiện trường thì vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm.
Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Đội phó Đội CSGT - trật tự, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), tài xế nghĩ rằng cứ chạy trốn được khỏi hiện trường là sẽ chối bỏ được trách nhiệm nhưng thực tế, với nghiệp vụ của lực lượng chức năng, hệ thống camera được bố trí khắp nơi, tài xế sẽ không thể trốn thoát.
Rời hiện trường, phải đến cơ quan công an
Hiện Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn sau TNGT.
Còn Bộ luật Hình sự quy định, tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn gây ra, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, vẫn cần có những quy định rõ ràng và nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy.
Theo Đại tá Nhật, quy định hiện hành cho phép người gây TNGT rời hiện trường vì lý do bị đe dọa tính mạng (sợ bị người thân nạn nhân, người dân bức xúc hành hung) nhưng phải trình báo với cơ quan công an. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng là rời khỏi hiện trường tài xế được đi đâu, trong bao lâu.
Vì vậy, dự thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã qui định rõ: Sau khi gây tai nạn, tài xế phải giữ nguyên hiện trường, bản thân tài xế có thể rời khỏi hiện trường nhưng điểm đến tiếp theo phải là cơ quan công an.
“Ngoài ra, cần tăng nặng chế tài xử lý, chẳng hạn như tài xế gây tai nạn bỏ chạy phải bị tước GPLX vĩnh viễn, đồng thời xem xét cả quá trình đào tạo, cấp GPLX. Như vậy, những lái xe làm nghề kinh doanh vận tải vi phạm sẽ không còn cơ hội hành nghề, từ đó tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi lái xe”, Đại tá Nhật đề xuất.
Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp thì đề xuất, cần phải bổ sung lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, quốc lộ, tuyến đường phức tạp về trật tự ATGT; vận động các hộ dân sinh sống ven tuyến đường tự trang bị camera có một mắt camera hướng ra ngoài đường; khuyến khích các xe ô tô trang bị camera giám sát hành trình... Điều đó không chỉ giúp công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT mà con giúp truy lùng nhanh, chính xác tài xế gây TNGT bỏ trốn.
Gây tai nạn bỏ trốn nguy hiểm thế nào?
“Khi gây tai nạn, lái xe điều khiển phương tiện bỏ trốn trong trạng thái tinh thần hoảng hốt, kích động dễ gây TNGT tiếp theo; làm sai lệch hiện trường, khiến nạn nhân mất cơ hội được cấp cứu ở “giờ vàng”; thậm chí quá trình bỏ trốn còn chèn, đè lên nạn nhân khiến thương tật nghiêm trọng hơn”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/bao-dong-gay-tai-nan-giao-thong-bo-tron-d485394.html