Báo động tình trạng đuối nước tập thể đối với trẻ em
Mới vào đầu Hè nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, với nạn nhân chủ yếu là trẻ em.
Vụ đuối nước vừa xảy ra ở Yên Thành, Nghệ An, cướp đi sinh mạng 5 em học sinh, tiếp tục gióng lên hồi chương cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em trong kỳ nghỉ hè. Đáng ngại hơn, thời gian qua các vụ đuối nước tập thể ngày càng nhiều.
8 học sinh ở Hòa Bình; 3 em học sinh ở Khánh Hòa; 4 em học sinh ở Thanh Hóa... Liên tiếp những vụ đuối nước tập thể, mà nạn nhân là những em học sinh còn khoác trên mình áo trắng tinh khôi. Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… được xem là những địa phương có số vụ đuối nước nhiều nhất. Chỉ tính trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 7 vụ đuối nước, khiến 10 người tử vong.
Chúng ta đã nói nhiều về giải pháp, trong đó công tác truyền thông, giáo dục, dạy bơi cho các em, nhưng các vụ đuối nước vẫn liên tiếp xảy ra, đáng ngại hơn những vụ đuối nước tập thể ngày càng nhiều. Tại huyện Yên Thành, nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm, được biết nhiều năm qua đã triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh và truyền thông về phòng tránh đuối nước. Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Yên Thành, bên cạnh việc dạy bơi chúng ta cần chú trọng đến trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho các em.
“Tôi mong muốn trong dịp Hè này nhiều đơn vị có điều kiện tham gia tổ chức giáo dục các hoạt động kỹ năng sống, để các cháu có điều kiện nhận thức và phòng tránh”, ông Tĩnh nói.
Cùng quan điểm này, ông Cao Văn Bình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa cho rằng, Vĩnh Lộc là vùng sông nước, việc dạy và hướng dẫn kỹ năng bơi trong học sinh hiệu quả tốt nhưng vẫn không tránh khỏi các vụ đuối nước tập thể. Điều này cho thấy các em chưa có kỹ năng phán đoán và xử lý tình huống trong môi trường nước.
Lấy ví dụ từ vụ 4 em học sinh tử vong do đuối nước ở địa phương mình, ông Bình cho rằng: “Sở Giáo dục-Đào tạo đã có nhiều công văn, Phòng Giáo dục cũng có công văn hướng dẫn phòng chống đuối nước. Vùng các cháu bị đuối nước là làng Vực, có rất nhiều kiện tướng bơi ở đây, các cháu thuộc làng này. Làng Vực là nơi có truyền thống bơi, các em học sinh được học bơi rất tốt, nhưng đó là việc khác vì bơi thường khi các em bị cuốn vào vùng xoáy, thường túm nhau rất khó thoát…”
, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã từng nhấn mạnh: “Muốn tránh được, giảm được đuối nước trước hết phải biết bơi. Biết bơi thôi chưa đủ, phải biết những kiến thức, kỹ năng phòng chống ứng phó trong hoàn cảnh đuối nước và cứu người khác bị đuổi nước như thế nào. Điều đó chư đủ mà phải cảnh báo khu vực nguy cơ đuối nước… đây là điều quan trọng. Các cấp, các ngành phải cháp hành nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo thống kê, vào mùa Hè hằng năm tỷ lệ thương tích xảy ra đối với trẻ rất cao, trong đó đuối nước chiếm gần một nửa và ở nước ta tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần ở các nước đang phát triển. Cùng với việc biết bơi, trẻ em phải được trang bị kỹ năng an toàn khi đi bơi, kỹ năng tự cứu mình và người khác, thế nào là an toàn, để tránh đuối nước tập thể.
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam khẳng định, đuối nước là vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phát triển an toàn cho trẻ. Bà Huyền tin tưởng rằng, chúng ta có thể phòng tránh được hậu quả này nếu chúng ta có sự quan tâm, kết nối. Quan trọng hơn là giáo dục làm thay đổi nhận thức và hành vi về phòng tránh đuối nước và đuối nước tập thể.
Bà Đoàn Thu Huyền khẳng định: “Trong năm 2019, Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) cam kết triển khai các chiến dịch truyền thông hiệu quả thực chất nhằm thay đổi nhân thức, hành vi của chính quyền các cấp, gia đình và chính trẻ em về vấn đề này. Chúng tôi cam kết tổ chức cho 8.200 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được học bơi an toàn và phòng chống đuối nước 16.000 trẻ em được cung cấp tri thức an toàn về môi trường nước. Chương trình đuối nước cho trẻ em Việt Nam là chương trình hợp tác kinh tế công cộng hiện nay chúng tôi đã đồng hành cùng Việt Nam 10 năm qua, chúng tôi xin cam kết sẽ là một đối tác quốc tế lâu dài bền vững hiệu quả thực chất phù hợp với bối cảnh địa phương”.
Đẩy mạnh phong trào dạy bơi cho trẻ, đưa các khóa huấn luyện bơi vào học đường, kêu gọi cộng đồng giám sát trẻ tốt hơn là những giải pháp hạn chế được tình trạng đuối nước. Thế nhưng, biết bơi thôi chưa đủ, quan trọng hơn các em phải được hướng dẫn, truyền thông về kỹ năng, phương pháp an toàn trong môi trường nước. Trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải đăng biển cảnh báo những nơi có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ em và thường xuyên giám sát ở các khu vực ấy. Đó là những giải pháp phòng chống đuối nước hiệu quả cần được đẩy mạnh./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-dong-tinh-trang-duoi-nuoc-tap-the-doi-voi-tre-em-916335.vov